• Trụ sở chính: Tổ 10 Phường Phú La, Quận Hà Đông, Hà Nội
  • VPDG: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội
  • Email:  Contact@luattienphong.vn / Liendt@luattienphong.vn

Quyền mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được coi là quyền tài sản

(Luật Tiền Phong) – quyền thuê nhà, mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cách đây khoảng 15, 20 năm có ý nghĩa vô cùng to lớn. Có quyền này, thực hiện theo nghị định 61/CP thì nhiều người đang ở một căn nhà xập xệ tự nhiên có trong tay vàng ròng. Vì những căn nhà thuộc sở hữu nhà nước thường ở các trung tâm thành phố lớn.

Nhiều gia đình bố mẹ được phân nhà hoặc được thuê nhà, khi chết không để lại di chúc nên các con có tranh chấp trong thủ tục hoá giá nhà, phân chia quyền mua nhà.. dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gia môn bất hạnh. Giải quyết quyền lợi của các đồng thừa kế như thế nào, coi quyền mua nhà là quyền tài sản chính là đường lối xét xử. Bản án xử 1 vụ như thế đã trở thành nguồn án lệ. Luật Tiền Phong chia sẻ với các bạn nội dung căn bản của án lệ này theo lược dẫn của chúng tôi, có giản lược nhiều chi tiết không thực sự trọng yếu, giúp các bạn dễ tiếp cận nội dung bản án hơn.

Quyền mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được coi là quyền tài sản

Quyền mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được coi là quyền tài sản

TÓM TẮT VỤ VIỆC

Bà A là 1 trong 4 người con của cụ B, C. Khi còn sống, cụ B được Quân đội cấp cho một căn nhà tại thành phố Hồ Chí Minh và hai cụ sống ở căn nhà này đến khi chết. Trước khi chết, hai cụ B, C chưa xin hoá giá, hợp thức quyền sở hữu căn nhà trên.

Khi bà A đi làm thủ tục hoá giá căn nhà trên thì nhận được đơn khiếu nại của 1 trong các anh chị em mình. Thanh tra quốc phòng sau khi thụ lý đơn đã giải quyết với nội dung: nếu các anh chị em bà A không khiếu nại thì bà A tiếp tục được giải quyết cho mua hoá giá, sau khi mua xong, trừ đi các chi phí thì giá trị còn lại của căn nhà sẽ được chia cho các đồng thừa kế của hai cụ B, C. Nếu không thống nhất được thì chia theo quy định của pháp luật.

Khi bà A hoàn tất thủ tục thanh lý, được đứng tên sở hữu căn nhà chiếm toàn bộ nhà và không chia cho các đồng thừa kế của cụ B, C.

3 người con còn lại của cụ B, C đã khởi kiện bà A ra toà án yêu cầu chia giá trị căn nhà sau khi trừ đi chi phí hoá giá và yêu cầu bà A phải trả cho những người đồng thừa kế khác số tiền tương đương khoản tiền thuê nhà trong thời gian chiếm đoạt.  Sau khi toà án thụ lý, một trong những người con của cụ B, C có đơn yêu cầu chia tài sản chung theo nội dung thanh tra Quốc phòng xác định khi giải quyết đơn khiếu nại của các anh chị em bà A trước khi bán hoá giá nhà cho bà A.

Quan điểm của bà A (bị đơn):

Khi bố mẹ là cụ B, C ốm, các con đều lập gia đình, ở riêng và có hộ khẩu thường trú nơi khác, chỉ có bà A dọn đến ở nhà của cụ B, C để chăm sóc bố mẹ. Khi vợ chồng bà dọn đến, vợ chồng bà đã trả lại 1 căn nhà khác cho nhà nước. Trước khi bố chết đã ký giấy tờ uỷ quyền cho bà A toàn quy định thực hiện thủ tục xin thanh lý hoá giá nhà. Trong giấy uỷ quyền cụ B ghi rõ hiệu lực giấy uỷ quyền cả khi cụ B chết. Sau đó, bà A xin thanh lý và được Quân đội giải quyết cho được mua hoá giá nhà, sau khi mua xong, trừ chi phí  đi, giá trị căn nhà còn lại sẽ do các anh chị em bà tự thoả thuận, không thoả thuận được thì giải quyết theo pháp luật. Theo bà A, trước đó bà có thoả thuận nếu các đồng thừa kế rút đơn thì bà A được mua nhà với giá ưu đãi (bán cho cụ B là người có công), do có đơn nên bà A phải mua theo giá thị trường (không phải mua bằng xuất của bố bà) nên giờ bà không đồng ý chia cho các anh chị em nữa.

QUYẾT ĐỊNH CỦA BẢN ÁN SƠ THẨM

Tòa án cấp sơ thẩm nhận định đây là tranh chấp chia tài sản chung từ việc mua hóa giá nhà và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các con cụ B, C; chia cho bà A được hưởng 1/2 giá trị căn nhà, sau đó mới trừ đi chi phí mua nhà trong phần giá trị 1/2 còn lại rồi mới chia đều cho các đương sự trong đó có cả bà A.

Bản án sơ thẩm bị các nguyên đơn kháng cáo.

QUYẾT ĐỊNH CỦA BẢN ÁN PHÚC THẨM

Tòa án cấp phúc thẩm xác định cụ B đã lập “Giấy ủy quyền” cho bà A toàn bộ căn nhà trên nên xác định căn nhà trên là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà A.Huỷ án sơ thẩm và bác các yêu cầu khởi kiện của các con cụ B, C.

Các con cụ B, C có đơn đề nghị giám đốc thẩm bản án nói trên và Viện trưởng VKSNDCC đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án dân sự phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN GIÁM ĐỐC THẨM

Cụ B,C có 04 người con chung. Tài sản đang tranh chấp là căn nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc căn nhà là do Bộ tư lệnh Quân khu 7 tiếp quản sử dụng từ sau ngày Miền Nam giải phóng. Năm 1981, Quân khu 7 cấp “Giấy phép quyền sở hữu sử dụng” số 092/QĐ ngày 16-4-1981 cho cụ B. Theo nội dung giấy phép thì việc cấp nhà cho cụ T là “để tạo mọi điều kiện chỗ ăn, ở cho gia đình cán bộ, ổn định lâu dài và cấp do hoàn cảnh gia đình cán bộ không có nhà ở”.

Thời điểm cấp thì bà A sống chung với cụ B, có hộ khẩu thường trú tại căn nhà trên. Đến năm 1982, 2 người con khác của cụ B mới chuyển về sống cùng cụ và được nhập hộ khẩu về căn nhà trên.

Ngày 09-6-1993, cụ B  lập “Giấy ủy quyền” có nội dung: “…Tôi ủy quyền cho con tôi A thay mặt tôi khi còn sống và ủy quyền cho nó được trọn quyền giải quyết những việc có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với căn nhà được Quân khu 7 và Sở nhà đất thành phố cấp cho (bao gồm tầng lầu và diện tích sàn phía dưới đất đã được phân chia giữa hai gia đình từ trước) Khi không may tôi qua đời”. Giấy có sự chứng kiến của đại diện Tổ dân phố, đại diện Chi hội 7 – Hội cựu chiến binh phường; đại diện Công an Phường và xác nhận của Ủy ban nhân dân Phường.

Như vậy, đây là giấy ủy quyền cho bà L thay mặt cụ T Khi còn sống cũng như khi cụ T qua đời để giải quyết những việc có liên quan đến căn nhà chứ không phải ủy quyền cho bà L toàn bộ căn nhà như nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm.

Cụ B chết, không để lại di chúc. Bà A có đơn gửi Hội đồng nhà đất Quân khu 7 xin mua hóa giá căn nhà trên theo Nghị định 61/CP thì các anh chị em có đơn không đồng ý cho bà A mua nhà trên theo chế độ của cụ B.

Tại Biên bản giải quyết Khiếu nại, Thanh tra Bộ Quốc phòng, hai bên đã thỏa thuận thống nhất “…đồng ý để bà A đứng tên mua căn nhà. Việc phân chia sau khi đã trừ đi những khoản chi phí nghĩa vụ đối với Nhà nước, giá trị còn lại do chị em bàn bạc thỏa thuận, nếu không được thì giải quyết theo pháp luật” và tại Biên bản giải quyết Khiếu nại của Ủy ban nhân dân Phường bà A cũng xác nhận “đồng ý làm cam kết theo biên bản giải quyết của thanh tra.

Năm 2001, Cơ quan Quân đội ký hợp đồng cho bà A thuê căn nhà trên. Sau đó, Hội đồng nhà đất Quân khu 7 làm thủ tục bán căn nhà trên cho bà A theo Nghị định 61/CP.  Sau đó bà A được giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất như nêu trên.

Như vậy, xác định căn nhà là quân đội cấp cho cụ B. Quyết định cấp nhà vẫn còn hiệu lực.

Khi giải quyết đơn của các anh chị em bà A, thanh tra đã xác định nội dung: Bà A đại diện anh chị em làm thủ tục hoá giá, sau đó phải phân chia cho các anh chị em trong gia đình.  Vì vậy, có cơ sở để xác định đây là tài sản chung chưa chia.

Tòa án cấp sơ thẩm nhận định đây là tranh chấp chia tài sản chung từ việc mua hóa giá nhà để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các con cụ B, C là có căn cứ; tuy nhiên, khi xác định tỷ lệ phần giá trị để chia, lẽ ra cần phải trừ đi chi phí mua nhà sau đó mới chia nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại chia cho bà A được hưởng 1/2 giá trị căn nhà sau đó mới trừ đi chi phí mua nhà trong phần giá trị 1/2 còn lại rồi mới chia đều cho các đương sự trong đó có cả bà A là chưa chính xác.

Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét những nội dung trên mà cho rằng cụ B đã lập “Giấy ủy quyền” cho bà A toàn bộ căn nhà trên nên xác định căn nhà trên là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà A là không đúng, không đảm bảo quyền lợi của các con của cụ T.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. HĐXX toà giám đốc thẩm quyết định:

  • Chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân.
  • Huỷ án phúc thẩm và huỷ án sơ thẩm.
  • Giao toà án cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu.

Nội dung án lệ: chấp nhận căn nhà quân đội giao cho cụ B là theo tiêu chuẩn của người có công. Cụ B chết không để lại di chúc và chưa làm thủ tục hoá giá thì quyền thuê, quyền mua giá nhà của cụ B được chuyển giao cho các đồng thừa kế của cụ B. Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của các con cụ B, C.

Ý kiến của Luật Tiền Phong

Các vụ án tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai, nhà ở và quyền thừa kế thì thường phức tạp, liên quan đến nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì lại càng phức tạp. Tuy nhiên, khi đã có án lệ xác định quyền mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là quyền tài sản thì sẽ có hướng giải quyết rõ ràng hơn cho các vụ án tương tự.

Các bạn không may gặp phải những tranh chấp liên quan đến đất đai, nhà ở, quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu nhà nước, hãy liên hệ với luật sư của mình ngay để sớm được giải quyết, nếu chưa có luật sư thì hãy liên hệ với chúng tôi tổng đài 1900 6289 hoặc Hotmail: contact@luattienphong.vn.

====================

BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT  – LUẬT TIỀN PHONG

Hotline: 1900 6289

Hotmail: contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Toà nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

*Lưu ý: Nội dung bài viết chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự kiện khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do pháp luật hoặc chính sách của nhà nước có sự thay đổi. Vui lòng liên hệ luật sư qua hotline 1900 6289 hoặc email contact@luattienphong.vn để được tư vấn.

Bình Luận

Vi phạm Luật Quảng cáo thực phẩm chức năng và xử phạt

Bảo vệ người tiêu dùng Luật sư Khúc Thị Quyên tư vấn

Tư vấn thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài

Chính sách bồi thường khi nhà nước thu hồi đất

0916 16 26 18 0976 714 386