Chuyển đổi sang doanh nghiệp xã hội

(Luật Tiền Phong) Doanh nghiệp xã hội là thuật ngữ pháp lý mới xuất hiện ờ Việt Nam và trong thời gian gần đây thì doanh nghiệp xã hội đang nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức. Hiện nay, địa vị pháp lý của doanh nghiệp xã hội được quy định cụ thể tại Luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định hướng dẫn thi hành.

Luật Tiền Phong xin gửi tới Quý khách hàng quy định về Thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp thương mại sang doanh nghiệp xã hội trong bài tư vấn dưới đây.

Nội dung bài tư vấn gồm:

– Doanh nghiệp xã hội và tiêu chí doanh nghiệp xã hội.

– Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp xã hội.

– Thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp thương mại sang doanh nghiệp xã hội.

THỦ TỤC CHUYỂN ĐỔI DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI SANG DOANH NGHIỆP XÃ HỘI

1. Doanh nghiệp xã hội và tiêu chí doanh nghiệp xã hội:

Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay, không có quy định cụ thể thế nào là doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên có thể hiểu là doanh nghiệp được thành lập nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, sử dụng lợi nhuận sau thuế hằng năm để tái đầu tư và thực hiện mục tiêu đã đăng ký.

Tiêu chí của doanh nghiệp xã hội được quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật doanh nghiệp 2020 như sau:

– Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020;

– Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;

– Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.

2. Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp xã hội:

2.1. Quyền của doanh nghiệp xã hội:

Ngoài những quyền của doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp xã hội còn có những quyền được quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật doanh nghiệp 2020 như sau:

– Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;

– Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Vệt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp;

– Duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện theo đúng tiêu chí của doanh nghiệp xã hộitrong suốt quá trình hoạt động;

– Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;

– Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

2.2. Trách nhiệm của doanh nghiệp xã hội:

Trách nhiệm của doanh nghiệp xã hội và chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp xã hội được quy định tại Điều 3 Nghị định 47/2021/NĐ – CP, cụ thể:

– Doanh nghiệp xã hội phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và nội dung khác ghi tại Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động.

– Trừ trường hợp chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết, doanh nghiệp xã hội phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã tiếp nhận để thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn và đối tượng có liên quan là cổ đông đối với công ty cổ phần, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng Giám đốc ở nhiệm kỳ hoặc thời gian có liên quan chịu trách nhiệm liên đới đối với các thiệt hại phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp xã hội không duy trì mục tiêu xã hội, môi trường cũng như các nội dung đã cam kết trong Bản Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường

3. Thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp thương mại sang doanh nghiệp xã hội:

Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 01/2021/NĐ – CP, doanh nghiệp thương mại muốn chuyển đổi sang doanh nghiệp xã hội phải chuẩn bị hồ sơ như sau:

– Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường do người đại diện theo pháp luật ký.

– Bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thông qua nội dung Cam kết.

– Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thông qua nội dung Cam kết.

Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện cập nhật thông tin của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và đăng tải Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Trên đây là những quy định về Thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp thương mại sang doanh nghiệp xã hội. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc cần hỗ trợ tư vấn vui lòng liên hệ với chúng tôi.

===================

BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – LUẬT TIỀN PHONG

Hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386

Hotmail: contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội