(Luật Tiền Phong) – Hiện nay, ly hôn là việc được khá nhiều người trẻ lựa chọn khi có mâu thuẫn vợ chồng. Việc ly hôn có thể từ sự thuận tình của hai vợ chồng hoặc đơn phương vợ hoặc chồng thực hiện nhưng các bên đều phải tiến hành thủ tục tại Tòa án để có thể ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, câu hỏi “Khi Tòa án đã ra quyết định thuận tình ly hôn thì có hủy bỏ quyết định này được không?” được khá nhiều Quý Khách hàng đặt ra.
Bài viết dưới đây Luật Tiền Phong sẽ tư vấn, trả lời câu hỏi này giúp Quý Khách hàng.
1. Có thể hủy Quyết định công nhận thuận tình ly hôn không?
Trường hợp đương sự muốn thay đổi lại nội dung đã thỏa thuận để thay đổi quyết định công nhận thuận tình ly hôn thì căn cứ theo điều 213 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 213. Hiệu lực của quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự
1. Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
2. Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thoả thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.”
Như vậy vợ chồng có thể đề nghị Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét kháng nghị Quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án nhân dân quận (Căn cứ điều 331 BLTTDS 2015 về thẩm quyền kháng nghị).
2. Thời hạn kháng nghị Quyết định công nhận thuận tình ly hôn theo thủ tục Giám đốc thẩm
– Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày có phán quyết cho ly hôn. Nếu đương sự phát hiện có vi phạm pháp luật trong nội dung phán quyết đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm (khoản 1 Điều 327 BLTTDS 2015)
– Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, phán quyết của Tòa có hiệu lực pháp luật (Căn cứ điều 334 BLTTDS 2015).
Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị 03 năm nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị:
+ Đương sự đã có đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm và sau khi hết thời hạn kháng nghị đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị.
+ Phán quyết ly hôn của Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm pháp luật là căn cứ để thực hiện giám đốc thẩm, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong phán quyết đó.
3. Thẩm quyền giám đốc thẩm Quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Theo quy định tại Điều 331 BLTTDS 2015, khi có đơn đề nghị xem xét lại Giám đốc thẩm, đương sự có thể gửi đơn đến những người như sau:
– Chánh án Tòa án tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm bản án Tòa án nhân dân cấp cao; bản án của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết; trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
– Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
4. Trình tự thủ tục giám đốc thẩm Quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Căn cứ Điều 327-350 BLTTDS 2015, trình tự thủ tục giám đốc thẩm được quy định như sau:
– Đương sự nộp đơn đề nghị cho Tòa án, Viện kiểm sát, kèm theo bản án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình;
– Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn, ghi vào đơn và cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự;
– Kiểm tra đơn: Nếu không đủ điều kiện thì cơ quan đã nhận đơn yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu; Hết thời hạn trên mà đương sự không sửa đổi, bổ sung thì tòa án, viện kiểm sát trả lại đơn, nêu lý do, ghi chú vào sổ nhận đơn.
– Nếu đơn đã đầy đủ, hợp lệ, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định;
– Trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.
5. Hồ sơ giám đốc thẩm Quyết định công nhận thuận tình ly hôn
– Giấy tờ nhân thân của người làm đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm;
– Đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm;
– Quyết định công nhận đồng thuận ly hôn mà đương sự muốn xem xét giám đốc thẩm.
– Các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu xem xét giám đốc thẩm.
(KẾT LUẬN): Như vậy, khi quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án có hiệu lực thì vợ chồng không thể thực hiện kháng cáo lại quyết định này để thay đổi quyết định ly hôn của Tòa án. Tuy nhiên, hai bên có quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Trên đây là bài chia sẻ, tư vấn về việc Hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Luật Tiền Phong. Chúng tôi mong rằng những chia sẻ trên giúp cho khách hàng có thêm những thông tin và hiểu biết cơ bản về thủ tục này. Ngoài ra, có thể Quý Khách hàng cũng quan tâm đến các vấn đề pháp lý khác có liên quan như mẫu đơn ly hôn mới nhất hoặc nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn, vui lòng tham khảo các bài viết (Tại đây) hoặc (Tại đây).
Nếu có bất cứ câu hỏi nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn.
===================
BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – LUẬT TIỀN PHONG
Hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội