(Luật Tiền Phong) – Để đáp ứng yêu cầu, nâng cao tay nghề lao động, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư chi phí tổ chức đào tạo nghề cho người lao động và yêu cầu người lao động làm việc cho công ty sau khi đào tạo một khoảng thời gian nhất định. Nếu người lao động nghỉ việc trước thời hạn đã cam kết thì sẽ phải hoàn trả chi phí đào tạo cho công ty. Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế phát sinh nhiều tranh chấp liên quan đến hoàn trả chi phí đào tạo lao động.
Luật Tiền Phong xin gửi tới quý khách hàng Quy định về hoàn trả chi phí đào tạo lao động để khách hàng nắm rõ nhằm tránh được những tranh chấp không đáng có.
Quy định về hoàn trả chi phí đào tạo lao động
1. Hoạt động đào tạo nghề và chi phí đào tạo nghề:
Hoạt động đào tạo nghề mà người lao động được tham gia phải đảm bảo các tiêu chí sao cho người lao động được hướng dẫn, giảng dạy bài bản chứ không đơn thuần là trong quá trình làm việc thì tự trau dồi tiếp thu kiến thức, kỹ năng. Cụ thể, hoạt động đào tạo nghề phải đảm bảo có người hướng dẫn có chuyên môn, có chương trình, có lộ trình đào tạo cụ thể. Sau khi kết thúc mỗi đợt đào tạo phải có hoạt động tổ chức đánh giá tay nghề của người lao động.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 62 Bộ luật Lao động 2019, chi phí đào tạo nghề mà người sử dụng lao động chi trả được coi là hợp lý, hợp pháp nếu có chứng từ hợp lệ, bao gồm những khoản chi sau:
– Các chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành;
– Các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học;
– Các chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo (trong trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo).
2. Thỏa thuận đào tạo nghề:
Thỏa thuận về đào tạo nghề thường được thể hiện trong Hợp đồng lao động hoặc một Hợp đồng đào tạo nghề riêng. Hai bên phải ký kết thỏa thuận đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
Dù thỏa thuận đào tạo nghề được thể hiện dưới dạng hợp đồng nào trong hai loại hợp đồng nói trên thì cũng phải đảm bảo có các nội dung chủ yếu theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
– Nội dung nghề đào tạo;
– Địa điểm đào tạo, thời gian đào tạo, mức lương chi trả cho người lao động trong thời gian đào tạo.
– Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
– Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo của người lao động được;
– Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
– Trách nhiệm của người lao động.
3. Lưu ý khi giải quyết tranh chấp liên quan đến hoàn trả chi phí đào tạo nghề:
Trong trường hợp một trong hai bên vi phạm thỏa thuận về đào tạo sẽ xảy ra tranh chấp. Khi giải quyết tranh chấp, xem xét việc người lao động có phải hoàn trả chi phí đào tạo lao động không thì cần phải xem xét các yếu tố cả từ phía người lao động và người sử dụng lao động.
Cụ thể các vấn đề cần xem xét bao gồm nhưng không giới hạn trong:
– Về phía người lao động:
+ Người lao động sau khi đào tạo tay nghề có đáp ứng được nhu cầu công việc của người sử dụng lao động không? Có thường xuyên không hoàn thành công việc không?
+ Người lao động có vi phạm cam kết về thời gian làm việc sau đào tạo không?
– Về phía người sử dụng lao động:
+ Đã thực hiện đúng cam kết trong quá trình đào tạo chưa, có tổ chức đào tạo, đánh giá bài bản cho người lao động không?
+ Sau khi hoàn thành việc đào tạo, có bố trí cho người lao động vị trí công việc, chế độ mới phù hợp với năng lực hiện tại của họ không?
+ Chi phí đào tạo mà người sử dụng lao động đã bỏ ra có căn cứ không, có phù hợp với quy định của pháp luật đã nêu ở mục 1 không?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về thời gian cam kết làm việc sau đào tạo cũng như mức phạt phát sinh về việc vi phạm thỏa thuận đào tạo nghề nên khi giải quyết tranh chấp người lao động và người sử dụng lao động cần ưu tiên giải quyết trên cơ sở thương lượng, hòa giải đồng thời xem xét đến các yếu tố nêu trên sao cho hợp lý, tránh xung đột nhất có thể.
Trên đây là tư vấn của Luật Tiền Phong về Quy định về hoàn trả chi phí đào tạo lao động Để hiểu rõ hơn mọi băn khoăn, thắc mắc, vui lòng liên hệ với đội ngũ luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ, giải đáp.
==========================
Công ty Luật TNHH Tiền Phong
Điện thoại tư vấn: 091.6162.618 và 097.8972.587
Email: Contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.