(Luật Tiền Phong) – Việc tham gia các cuộc họp đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần từ lâu đã không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên để hiểu đầy đủ và chính xác về nội dung thông báo triệu tập cuộc họp được pháp luật quy định như thế nào thì không phải ai cũng nắm được.
Mời các bạn xem bài viết của chúng tôi để hiểu rõ hơn quy định của pháp luật và thực hiện quyền của mình được đầy đủ và chính xác nhé.

1. Triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông
Triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông vừa là quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ của thành viên hội đồng quản trị. Hằng năm, hội đồng quản trị phải triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên trong kỳ hạn bốn tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Nếu họp trễ hơn lịch này thì hội đồng quản trị phải có lý do chính đáng nhưng không được trễ quá 2 tháng. Cụ thể theo điều lệ công ty.
Họp bất thường: trong thời hạn 30 ngày tính từ thời điểm: khi xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty hoặc khi có thay đổi về thành viên hội đồng quản trị; hoặc theo yêu cầu của cổ đông; hoặc theo yêu cầu của ban kiểm soát, thì cơ quan này phải triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường. Nếu quá hạn 30 ngày mà HĐQT không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thì Ban kiểm soát là cơ quan thực hiện quyền này. Nếu Ban kiểm soát không thực hiện quy định này thì cổ đông (nhóm) cổ đông sẽ triệp tập.
2. Những việc cần làm khi triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.
Theo hướng dẫn tại Điều 140 Luật Doanh nghiệp hiện hành, người triệu tập cuộc họp phải chuẩn bị:
- Lập danh sách cổ đông có quyền dự họp.
- Cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại liên quan đến danh sách cổ đông.
- Lập chương trình và nội dung cuộc họp.
- Chuẩn bị các tài liệu cho cuộc họp.
- Dự thảo nghị quyết đại hội đồng cổ đông.
- Danh sách chi tiết của các ứng viên được bầu làm hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát.
- Thời gian địa điểm họp phải được xác định.
- Gửi thông báo mời họp đến từng cổ đông có quyền dự họp.
- Các công việc khác liên quan để phục vụ cho cuộc họp.
3. Thông báo mời họp
- Thời gian gửi thông báo mời họp: chậm nhất là 21 ngày trước ngày khai mạc cuộc họp nếu điều lệ không quy định một thời gian dài hơn.
- Về thủ tục việc mời họp phải gửi đến địa chỉ liên lạc của cổ đông.
- Về nội dung thông báo mời họp phải có: tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp, tên, địa chỉ liên lạc của cổ đông, thời gian, địa điểm họp và những yêu cầu khác đối với người dự họp.
- Đi kèm thông báo mời họp luôn luôn phải có các tài liệu: chương trình họp, tài liệu cuộc họp, dự thảo nghị quyết, phiếu biểu quyết.
- Hình thức mời: thông báo mời họp và tài liệu đính kèm cuộc họp có thể không cần phải gửi đến địa chỉ cổ đông nếu công ty có website và toàn bộ chương trình họp, thông báo mời họp phải đăng ký trên website công ty. Trong trường hợp này thì thông báo mời họp phải ghi rõ nơi và cách thức tải tài liệu cuộc họp để cổ đông có thể thực hiện.
———————–
Công ty Luật TNHH Tiền Phong
Điện thoại: 091 6162 618 và 097 8972 587
Email: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tầng 3, 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.