• Trụ sở chính: Tổ 10 Phường Phú La, Quận Hà Đông, Hà Nội
  • VPDG: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội
  • Email:  Contact@luattienphong.vn / Liendt@luattienphong.vn

THỦ TỤC BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP MỚI NHẤT

Luật Tiền PhongKiểu dáng công nghiệp là một trong những đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Sau khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thành công tại Cục Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu sẽ được cấp văn bằng bảo hộ cho phép sử dụng kiểu dáng đó độc quyền tại Việt Nam trong thời gian tối đa là 15 năm và có thể tiến hành gia hạn thêm 2 lần, mỗi lần gia hạn 5 năm tiếp theo. Bài viết dưới đây sẽ giúp Quý Khách hàng hiểu rõ hơn về thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam.

1. Cơ sở pháp lý

– Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành;

– Thông tư 263/2016/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.

2. Khái niệm

 

(Kiểu dáng công nghiệp)

 

Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2022) về giải thích từ ngữ:

“Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp”.

Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.

3. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Theo Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Có tính mới

– Có tính sáng tạo

– Có khả năng áp dụng công nghiệp

4. Các đối tượng không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp, bao gồm:

– Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;

– Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;

– Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm;

– Đối tượng trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.

5. Quyền đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp là quyền của tất cả các cá nhân, tổ chức có kiểu dáng công nghiệp muốn đăng ký tại Việt Nam.

– Cá nhân, tổ chức Việt Nam, các nhân, tổ chức nước ngoài đều có thể đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam.

– Đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam phải được nộp thông qua tổ chức Đại diện sở hữu trí tuệ.

(Đại diện sở hữu trí tuệ tại Việt Nam là tổ chức được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định ghi nhận tư cách đại diện Sở hữu trí tuệ khi đáp ứng các tiêu chuẩn hành nghề)

6. Thành phần hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

– 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo mẫu 03-KDCN Phụ lục A Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;

– 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp (Lưu ý: Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng quy định tại điểm 33.5 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN) gồm các nội dung sau:

+ Tên kiểu dáng công nghiệp;

+ Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp;

+ Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất;

+ Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ;

+ Phần mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp;

+ Yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

– 04 Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp muốn đăng ký bảo hộ;

– Chứng từ nộp phí, lệ phí (Sau khi nộp hồ sơ sẽ được cán bộ, chuyên viên Cục Sở hữu trí tuệ hướng dẫn đi nộp phí, lệ phí);

– Các tài liệu khác (nếu có).

7. Trình tự, thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

– Xác định đối tượng cần bảo hộ;

– Phân loại kiểu dáng công nghiệp;

– Tra cứu kiểu dáng công nghiệp.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Nộp toàn bộ hồ sơ đã chuẩn bị như mục 6 bên trên bằng 2 hình thức: Nộp qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội và 2 văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ

– Sau khi nộp hồ sơ, thời gian để Cục thẩm định hình thức đơn là 01 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ.

– Cục sau khi xem xét đơn về hình thức, ảnh, chủ sở hữu đơn, quyền nộp đơn, phân loại,… nếu đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn; trường hợp không đáp ứng điều kiện Cục sẽ ra Thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị doanh nghiệp sửa đổi trong thời hạn 2 tháng (người nộp đơn sẽ tiến hành sửa đổi và nộp công văn sửa đổi).

Bước 4: Công bố đơn

– Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

– Thời hạn công bố đơn: 02 tháng kể từ ngày có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.

– Nội dung công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ đã ghi trong Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, ảnh và phân loại kiểu dáng công nghiệp đó.

Bước 5: Thẩm định nội dung đơn

– Thời hạn thẩm định nội dung: từ 09 đến 12 tháng kể từ ngày công bố đơn.

– Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (có tính mới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

– Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đáp ứng đủ điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định dự định cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký.

– Nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định từ chối cấp văn bằng cho kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký. (Trong trường hợp này, chủ đơn có thể xem xét và gửi công văn trả lời, khiếu nại quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời đưa ra các căn cứ để yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho kiểu dáng công nghiệp bị từ chối).

Bước 6: Cấp văn bằng bảo hộ

– Thời hạn cấp văn bằng: 02-03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng.

– Sau khi có quyết định cấp văn bằng, chủ đơn hoặc đại diện của chủ đơn nộp lệ phí cấp văn bằng đúng thời hạn thì Cục sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

8. Phí, lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

– Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ;

– Phí phân loại kiểu dáng công nghiệp: 100.000/01 phân loại;

– Phí thẩm định đơn: 700.000VNĐ/01 đối tượng;

– Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;

– Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/01 hình;

– Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 480.000VNĐ/01 đối tượng;

– Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có) 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên;

– Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: 660.000 VNĐ/01 đối tượng với 06 ảnh.

Lưu ý: Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần được phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp, trường hợp Người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định là 100.000VNĐ/01 phân loại).

Chú ý quan trọng khác:

– Người nộp đơn có quyền khiếu nại việc từ chối chấp nhận đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, từ chối cấp Văn bằng bảo hộ;

– Bất kì người thứ ba nào cũng có quyền khiếu nại quyết định cấp Văn bằng và phải nộp lệ phí khiếu nại theo quy định;

– Thủ tục khiếu nại theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là bài chia sẻ về Thủ tục bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mới nhất của Luật Tiền Phong. Chúng tôi mong rằng những chia sẻ trên giúp cho khách hàng có thêm những thông tin và hiểu biết cơ bản về thủ tục này.

Nếu có bất cứ câu hỏi nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn.

===================

 

BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – LUẬT TIỀN PHONG

Hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386

Hotmail: contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

Bình Luận

Vi phạm Luật Quảng cáo thực phẩm chức năng và xử phạt

Bảo vệ người tiêu dùng Luật sư Khúc Thị Quyên tư vấn

Tư vấn thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài

Chính sách bồi thường khi nhà nước thu hồi đất

0916 16 26 18 0976 714 386