(Luật Tiền Phong) – Mới đây ngày 24/08/2020 đơn kiện được công ty cổ phần VNG gửi lên tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu công ty cổ phần Tiktok gỡ toàn bộ nhạc lấy từ Zing (một công ty con của VNG) khỏi ứng dụng và trang web trên Tiktok, xin lỗi công khai đồng thời bồi thường thiệt hại 9,5 triệu USD.
Vậy, dưới góc độ pháp lý thì việc đâm đơn kiện của VNG dựa trên cơ sở nào nào? Luật Tiền Phong xin gửi bạn đọc bài bình luận dưới đây:
Tóm tắt sự việc:
- Tik Tok là mạng xã hội video âm nhạc được phát hành bởi app tin tức Jinri Toutiao sáng lập năm 2016 tại Trung Quốc. Theo đó, cách thức hoạt động của mạng xã hội này khá đơn giản, hầu hết video có thời lượng ngắn khoảng vài giây tới 15 giây. Khác biệt so với những mạng video xã hội âm nhạc khác chính là tính năng chỉnh sửa hết sức độc đáo cùng với đó là kho tàng hiệu ứng âm nhạc, âm thanh hết sức độc đáo để người dùng có thể tạo ra những video đủ sức ấn tượng.
- VNG là một công ty công nghệ Việt Nam, thành lập vào năm 2004 với 4 mảng sản phẩm chính là Trò chơi trực tuyến, Nền tảng kết nối, Thanh toán điện tử và Dịch vụ điện toán đám mây. Zing MP3 ra đời vào tháng 8 năm 2007, là công cụ nghe và tìm nhạc trực tuyến, thuộc công ty cổ phần VNG. Tháng 12/2012, Zing MP3 ký hợp đồng bản quyền với Universal Music Group, cho phép người dùng Việt Nam có thể nghe và download các bản nhạc của Universal Music (có thu phí). Đầu năm 2013, Zing MP3 ký kết thỏa thuận kinh doanh kho nhạc hơn 40.000 bài của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và 35.000 tác phẩm âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Tháng 6/2013, Zing Mp3 ký kết thỏa thuận bản quyền âm nhạc với Sony Music Group và Youtube.
- Cụ thể về đơn kiện của VNG, đơn kiện ghi ngày 28/5 cáo buộc trên nền tảng TikTok có các video lồng nhiều bài nhạc do Zing sở hữu bản quyền. Báo cáo ngày 11/3 của VNG cho thấy có tổng cộng 150 bản ghi Zing được sử dụng trong hơn 11 triệu video trên ứng dụng và website của TikTok. VNG cho rằng hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nêu trên của TikTok gây thiệt hại cho công ty, ước tính hơn 221 tỷ đồng. Đơn kiện yêu cầu TikTok công khai xin lỗi trên truyền thông và bồi thường số tiền thiệt hại nêu trên. Trước đó, cũng theo đơn kiện của VNG, công ty này đã gửi thư khuyến cáo đến TikTok vào tháng 6/2019, tuy nhiên TikTok không gỡ các bài nhạc được VNG khẳng định vi phạm.
Nhìn nhận pháp luật về việc VNG kiện Tiktok:
1. Cơ sở pháp lý liên quan đến vụ việc
- Theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam thì đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
- Tác phẩm âm nhạc là đối tượng của quyền tác giả, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Nói một cách dễ hiểu nhất thì chủ sở hữu của tác phẩm âm nhạc có thể sinh lời với tác phẩm mình tạo ra bằng cách bán quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền tác giả, quyền nhân thân và quyền tài sản được quy định rõ tại Điều 18, 19, 20 Luật sở hữu trí tuệ 2020.
2. Chia sẻ quan điểm của Luật sư về vụ việc
Công ty con của VNG (Zing) đã mua lại quyền tài sản để có thể sử dụng nhạc trên website của mình, mọi phát sinh từ một bản nhạc đã được mua lại cần phải có sự đồng ý từ bên sở hữu quyền tài sản, dù bản nhạc được sử dụng có là thương mại hay phi thương mại.
Đối với vụ việc trên, Tiktok đã sử dụng những đoạn nhạc phát sinh từ bản nhạc mà VNG đã mua bản quyền, nhưng việc chứng minh sự hưởng lợi từ hành vi vi phạm bản quyền của Tiktok được định giá 9,5 triệu USD cũng không phải đơn giản. Bởi lẽ, khó mà khẳng định được việc vi phạm bản quyền của Tiktok là trực tiếp (chính Tiktok đưa lên) hay gián tiếp (người dùng Tiktok đưa lên). Phía VNG đương nhiên là đã theo đuổi quan điểm TikTok xâm phạm bản quyền ghi âm thuộc sở hữu của Zing, khiến VNG bị thiệt hại. Tuy nhiên, VNG phải có các dẫn chứng thuyết phục để có thể chứng minh được sự vi phạm:
- Chứng minh được Tiktok có xâm phạm với những tác phẩm âm nhạc mà VNG là bên sở hữu của quyền tác giả của những sản phẩm đó;
- Chứng minh được Tiktok có hưởng lợi từ việc xâm phạm bản quyền;
- Chứng minh được sự vi phạm tương ứng được với khoản tiền đòi được bồi thường.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là các chứng lí, quan điểm, lập luận thuyết phục được Hội đồng xét xử mà mỗi bên trong vụ kiện đưa ra để bảo vệ mình. Kết quả cuối cùng sẽ như thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tin tức tới bạn đọc về vấn đề này.
Trên đây là những vấn đề pháp lý về sự việc trên. Nếu có những vấn đề băn khoăn nào, liên hệ Luật Tiền Phong theo hotline 0916 162 618/ 0976 714 386 để được các Luật sư giải đáp.
============================
CÔNG TY LUẬT TNHH TIỀN PHONG
Hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội