Giải thể và phá sản khác nhau như thế nào?

Luật Tiền Phong  giải thể và phá sản cùng dẫn tới hệ quả là đóng cửa một doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động và chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trước pháp luật. Để các bạn có thể dễ hình dung nét khác nhau về bản chất cũng như thủ tục thực hiện, Luât Tiền Phong chia sẻ bài tư vấn của chúng tôi như sau:

 

SO SÁNH GIẢI THỂ VÀ PHÁ SẢN
SO SÁNH GIẢI THỂ VÀ PHÁ SẢN

Sự giống nhau giữa giải thể và phá sản

Thứ nhất: Giải thể và phá sản về cơ bản đều là hai phương thức làm chấm dứt sự hoạt động của doanh nghiệp cả về mặt pháp lý lẫn trên thực tế.

Khi doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản thì việc ngừng hoạt động là điều bắt buộc (trừ trường hợp sau khi tuyên bố phá sản có người mua doanh nghiệp).  Nhưng cần lưu ý là phá sản khác với việc “lâm vào tình trạng phá sản”, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì chưa buộc phải dừng hoạt động bởi vì sau đó còn có một thủ tục gọi là “thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh”.

Thứ hai: Đều bị thu hồi con dấu và giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.

Khi thành lập bất kì một doanh nghiệp nào, việc đầu tiên là đăng kí kinh doanh và làm dấu, đây có thể gọi như là thủ tục khai sinh. Nên khi doanh nghiệp giải thể, phá sản (tức là chấm dứt sự tồn tại) thì sẽ bị thu hồi lại con dấu và giấy đăng kí kinh doanh. Việc xuất hiện và rút lui khỏi xã hội cũng đều phải có sự quản lý của nhà nước để đảm bảo một trật tự nhất định, tránh mất đi tính liên kết trong xã hội.

Thứ ba: Đều phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản (nhưng thực hiện đến đâu thì lại khác nhau)

Lợi ích của người lao động, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của những cá nhân, tổ chức có liên quan đến doanh nghiệp bị phá sản đều phải được thực hiện tùy vào mức độ, tính chất của mối liên hệ giữa họ với doanh nghiệp và tùy vào tính chất của sự ngừng hoạt động (giải thể hay phá sản). Nói chung, đều phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản còn việc thực hiện đến đâu thì tùy thuộc vào từng trường hợp giải thể hay phá sản (trong phá sản còn phụ thuộc vào tính chất của các khoản nợ).

Sự khác nhau giải thể và phá sản

Thứ nhất: Sự khác nhau về vị trí trong các chế định pháp luật

Các quy định về giải thể nằm trong Luật Doanh nghiệp, còn các quy định về phá sản nằm trong Luật Phá sản. Như vậy có thể nói là phá sản có tính chất phức tạp hơn nên mới cần phải có một luật riêng chuyên quy định về các vấn đề liên quan đến phá sản.

Thứ hai: Về lý do phá sản hoặc giải thể.

Phá sản không thuần tuý phụ thuộc vào ý chí chủ quan của doanh nghiệp.

Theo Khoản 2 Điều 4 Luật phá sản 2014 thì lý do phá sản là do tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Giải thể là do ý chí của chủ doanh nghiệp.

Theo “Điều 201: Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp” luật doanh nghiệp hiện hành thì lý do giải thể rộng hơn phá sản, có 4 lý do dẫn đến giải thể doanh nghiệp là: do kết thúc thời gian hoạt động mà không được gia hạn; đối với công ty không có đủ số lượng thành viên tối thiểu trong thời hạn 6 tháng liên tục; do bị thu hồi giấy phép kinh doanh; theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; của tất cả các thành viên hợp danh đối với; công ty hợp danh; của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiện hữu hạn; của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.

Thứ ba: Về thủ tục giải quyết

Phá sản:  là thủ tục tư pháp, do toà án có thẩm quyền quyết định sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, thời hạn giải quyết một vụ phá sản dài hơn và phức tạp hơn.

Giải thể: là thủ tục hành chính do chủ sở hữu doanh nghiệp tiến hành, thời hạn giải quyết một vụ giải thể ngắn hơn và đơn giản hơn.

Một bên là thủ tục hành chính (giải thể), một bên là thủ tục tư pháp (phá sản). Thủ tục tư pháp luôn phức tạp và có tính nghiêm trọng hơn so với thủ tục hành chính.

Thứ tư: Về hệ quả pháp lý

Phá sản: doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản vẫn có thể tiếp tục hoạt động nếu như một nguời nào đó mua lại toàn bộ doanh nghiệp.

Giải thể: bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp

Giải thể có tính dứt khoát hơn so với phá sản, ít để lại hệ quả sau này.

Thứ năm: Về xử lý quan hệ tài sản

Khi giải thể, chủ doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trực tiếp thanh toán tài sản, giải quyết mối quan hệ nợ nần với các chủ nợ

Khi phá sản, việc thanh toán tài sản, phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp được thực hiên thông qua một cơ quan trung gian là tổ thanh toán tài sản khi có quyết định sau khi có quyết định tuyên bố phá sản.

Bởi vì giải thể thì chắc chắn mọi chủ nợ đều được thanh toán đầy đủ nhưng phá sản thì không, việc phân chia tài sản còn lại rất phức tạp nếu như không có tổ thanh toán vì ai cũng muốn đòi được hết tiền, tài sản của mình mà tài sản của doanh nghiệp còn lại thì không thể đáp ứng được. Vì vậy quyền lợi của mỗi chủ nợ dễ bị xâm phạm và dễ gây ra tình trang không công bằng, gây mất trật tự, có thể dẫn đến vi phạm pháp luật. Vậy đối với phá sản cần có tổ thanh toán tài sản.

Thứ sáu: Về thái độ của nhà nước đối với chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người quản lý doanh nghiệp

Phá sản: Người giữ chức vụ Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị của công ty, tổng công ty 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được cử đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào, kể từ ngày công ty, tổng công ty nhà nước bị tuyên bố phá sản. Người được giao đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được cử đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước. Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp, Chủ nhiệm, các thành viên Ban quản trị hợp tác xã bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, không được làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản.

Giải thể: Người quản lý doanh nghiệp, điều hành doanh nghiệp không bị cấm làm công việc tương tự trong một thời gian nhất định

Luật Tiền Phong là đơn vị tư vấn pháp luật chuyên sâu về doanh nghiệp, các câu hỏi hoặc những ý kiến trao đổi chuyên môn vui lòng liên hệ  0916 162 618/0976 714 386.

====================

BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT TIỀN PHONG

Hotline: 0916 162 618/0976 714 386

Hotmail: contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Toà nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *