Điều kiện cấp giấy phép hành nghề dược cho người Việt Nam

(Luật Tiền Phong)Giấy phép hành nghề dược là một văn bằng quan trọng cho những người làm trong lĩnh vực dược. Đây không chỉ là một phần của sự phát triển cá nhân, mà còn là hành trình không ngừng nghỉ để cập nhật duy trì kiến thức. Theo quy định tại Điều 13 Luật Dược 2016, để được cấp giấy phép hành nghề dược, cá nhân cần đáp ứng các điều kiện cụ thể về trình độ chuyên môn, thời gian thực hành, sức khỏe,…

Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các yêu cầu này, Luật Tiền Phong xin giới thiệu bài viết sau đây:

Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề dược cho người Việt Nam
Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề dược cho người Việt Nam

1. Căn cứ pháp lý:

  • Luật Dược số 105/2016/QH13;
  • Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược;
  • Nghị định số 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
  • Nghị định số 88/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP;
  • Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BYT năm 2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

2. Điều kiện về văn bằng chuyên môn:

Cá nhân xin cấp giấy phép hành nghề dược cần có văn bằng, giấy phép hoặc giấy chứng nhận chuyên môn phù hợp với vị trí công việc và cơ sở kinh doanh dược.

Cụ thể, văn bằng chuyên môn được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam phù hợp với vị trí công việc và cơ sở kinh doanh dược bao gồm:

  • Bằng tốt nghiệp đại học ngành dược (sau đây gọi là Bằng dược sỹ);
  • Bằng tốt nghiệp đại học ngành y đa khoa;
  • Bằng tốt nghiệp đại học ngành y học cổ truyền hoặc đại học ngành dược cổ truyền;
  • Bằng tốt nghiệp đại học ngành sinh học;
  • Bằng tốt nghiệp đại học ngành hóa học;
  • Bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành dược;
  • Bằng tốt nghiệp trung cấp ngành dược;
  • Bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành y;
  • Bằng tốt nghiệp trung cấp y học cổ truyền hoặc dược cổ truyền;
  • Văn bằng, giấy phép sơ cấp dược;
  • Giấy chứng nhận về lương y, giấy chứng nhận về lương dược, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc văn bằng, giấy phép, giấy chứng nhận khác về y dược cổ truyền.

3. Điều kiện về thời gian thực hành: 

Thời gian thực hành để được cấp giấy phép hành nghề dược tùy thuộc vào văn bằng giấy phép của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề dược, vị trí hành nghề mà có thời gian thực hành nghề khác nhau. 

Người hành nghề có thể xin xác nhận thực hành tại cơ sở dược, hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn của người hành nghề.

Cụ thể thời gian thực hành như sau:

  • Đối với người bị thu hồi giấy phép hành nghề dược do không có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy phép hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất thì không yêu cầu thời gian thực hành nhưng phải cập nhật kiến thức chuyên môn về dược;
  • Đối với người có trình độ chuyên khoa sau đại học phù hợp với phạm vi hành nghề thì thời gian thực hành được giảm như sau: Thời gian thực hành chuyên môn đối với người có trình độ chuyên khoa sau đại học được giảm: 
    • 3/4 thời gian đối với người có bằng tiến sỹ hoặc chuyên khoa II về lĩnh vực liên quan đến nội dung chuyên môn thực hành;
    • 1/2 thời gian đối với người có bằng thạc sỹ hoặc chuyên khoa I về lĩnh vực liên quan đến nội dung chuyên môn thực hành.
  • Đối với người có văn bằng chuyên môn là giấy chứng nhận về lương y, giấy chứng nhận về lương dược, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc văn bằng, giấy phép, giấy chứng nhận khác về y dược cổ truyền được cấp trước ngày Luật Dược có hiệu lực thì thời gian thực hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

4. Điều kiện về sức khoẻ:

Đảm bảo sức khỏe để hành nghề dược được thể hiện bằng Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề dược do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.

Ngoài ra, người xin cấp giấy phép hành nghề dược không thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định của Tòa án; trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến hoạt động dược theo bản án; quyết định của Tòa án;
  • Bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

5. Các đối tượng cần phải có giấy phép hành nghề dược: 

Theo quy định tại Điều 11 Luật Dược 2016 thì các vị trí công việc bắt buộc phải có giấy phép hành nghề dược là:

1. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược.

2. Người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

3.Người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

6. Hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề dược:

Để xin cấp giấy phép hành nghề dược, bạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 24 Luật Dược 2016, gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép hành nghề dược;
  • Văn bằng chuyên môn. Đối với các văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, phải kèm theo bản sao có chứng thực giấy công nhận tương đương của cơ quan có thẩm quyền;
  • Giấy xác nhận thời gian thực hành. Trường hợp thực hành tại nhiều cơ sở, thời gian thực hành được tính là tổng thời gian thực hành tại các cơ sở nhưng phải có Giấy xác nhận thời gian thực hành của từng cơ sở đó;
  • Trường hợp đề nghị cấp giấy phép hành nghề dược với phạm vi hoạt động khác nhau và yêu cầu thời gian thực hành, cơ sở thực hành chuyên môn khác nhau thì hồ sơ phải có Giấy xác nhận thời gian thực hành chuyên môn và nội dung thực hành chuyên môn của một hoặc một số cơ sở đáp ứng yêu cầu của mỗi phạm vi, vị trí hành nghề. Trường hợp các phạm vi hoạt động chuyên môn có cùng yêu cầu về thời gian thực hành và cơ sở thực hành chuyên môn thì không yêu cầu phải có Giấy xác nhận riêng đối với từng phạm vi hoạt động chuyên môn;
  • Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy xác nhận kết quả thi do cơ sở tổ chức thi đối với trường hợp giấy phép hành nghề dược cấp theo hình thức thi;

Lưu ý: Đối với các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định. Các giấy tờ này phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng theo quy định.

Trên đây là bài viết của Luật Tiền Phong về điều kiện cấp giấy phép hành nghề dược cho người Việt Nam. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý bạn đọc đang quan tâm đến việc hành nghề dược.

Nếu bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu thêm về quy trình xin cấp giấy phép hành nghề dược hoặc cần sự hỗ trợ trong việc chuẩn bị hồ sơ, xin vui lòng liên hệ với Luật Tiền Phong. Với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, chúng tôi sẽ tư vấn và hỗ trợ bạn một cách tận tâm, chuyên nghiệp, đảm bảo quá trình xin cấp phép diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Lưu ý khi xin giấy phép hành nghề y năm 2024;

Xin cấp giấy phép hành nghề cho bác sĩ nước ngoài năm 2024.

———————————————

Công ty Luật TNHH Tiền Phong

Điện thoại tư vấn: 091.6162.618 và 097.8972.587

Email: Contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.