LƯU Ý KHI XIN CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Y NĂM 2024

(Luật Tiền Phong) Từ 01/01/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 sẽ chính thức có hiệu lực, thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Một số quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề y đã có sự bổ sung, thay đổi so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Để hiểu rõ hơn, Luật Tiền Phong xin cùng quý khách hàng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

(Những điểm mới về quy định cấp chứng chỉ hành nghề y trong luật khám chữa bệnh 2023)

Bài viết được triển khai theo các mục sau:

      – Những đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề y;

      – Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề y;

      – Thời gian thực hiện thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề y;

      – Hiệu lực của chứng chỉ hành nghề y.

1. Những đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề y

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, có 06 đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là:

– Bác sỹ, y sỹ;

– Điều dưỡng viên;

– Hộ sinh viên;

– Kỹ thuật viên;

– Lương y;

– Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Ngoài 06 đối tượng trên, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) quy định thêm 03 đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là:

– Dinh dưỡng lâm sàng;

– Cấp cứu viên ngoại viện;

– Tâm lý lâm sàng.

2. Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề y

Điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề quy định tại Điều 30 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) như sau:

2.1 Đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng bao gồm các điều kiện sau:

– Được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

– Có đủ sức khỏe để hành nghề;

– Đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài theo quy định của Chính phủ;

– Không thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, theo quy định mới thì việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với: Bác sỹ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.

Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là Hội đồng Y khoa Quốc gia. Việc thực hiện được tiến hành theo quy định sau:

– Từ ngày 01/01/2027 đối với chức danh bác sỹ;

– Từ ngày 01/01/2028 đối với chức danh y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh;

– Từ ngày 01/01/2029 đối với các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng;

Những đối tượng đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong khoảng thời gian sau đây không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề:

– Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề bác sỹ từ 01/01/2024 – 31/12/2026;

– Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng từ 01/01/2024 – 31/12/2028.

2.2 Điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền bao gồm các điều kiện sau:

– Có giấy chứng nhận lương y hoặc giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền;

– Có đủ sức khỏe để hành nghề;

– Đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài theo quy định của Chính phủ;

– Không thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Thời gian thực hiện thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề y

Theo quy định tại Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ người đề nghị sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Đối với trường hợp cần xác minh đối với người được đạo tào ở nước ngoài hoặc chứng chỉ hành nghề do nước ngoài cấp thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 80 ngày.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại Điều 30 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề. Như vậy, thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề đã giảm một nửa thời gian đối với trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề cho người Việt Nam. Đối với trường hợp cần xác minh tài liệu có yếu tố nước ngoài trong hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề thì thời hạn cấp mới là 30 ngày kể từ ngày có kết quả xác minh.

4. Hiệu lực của chứng chỉ hành nghề y

Trong quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định chứng chỉ hành nghề được cấp một lần và có giá trị trong phạm vi cả nước.

Tuy nhiên theo quy định mới tại Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024), mỗi người hành nghề chỉ được cấp 01 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc với thời hạn 05 năm.

Đối với những chứng chỉ hành nghề được cấp trước ngày 01/01/2024 được chuyển đổi sang giấy phép hành nghề theo lộ trình do Chính phủ quy định và thực hiện việc gia hạn theo định kỳ 05 năm một lần kể từ ngày chuyển đổi theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.

Trên đây là bài chia sẻ, tư vấn về NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ QUY ĐỊNH CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Y TRONG LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH 2023 của Luật Tiền Phong. Chúng tôi mong rằng những chia sẻ trên giúp cho khách hàng có thêm những thông tin và hiểu biết cơ bản về thủ tục này. Nếu có bất cứ câu hỏi nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn.

Có thể bạn quan tâm:

Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề y mới nhất

Cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ nước ngoài năm 2023

Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề dược cho người Việt Nam

===================

BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – LUẬT TIỀN PHONG

Hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386

Hotmail: contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội