• Trụ sở chính: Tổ 10 Phường Phú La, Quận Hà Đông, Hà Nội
  • VPDG: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội
  • Email:  Contact@luattienphong.vn / Liendt@luattienphong.vn

Thủ tục thay đổi bác sĩ đứng đầu phòng khám

(Luật Tiền Phong) Hiện nay, nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nhu cầu thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn – bác sĩ đứng đầu vì lý do bác sĩ xin nghỉ việc hoặc để tìm người thay thế khác tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều phòng khám chỉ thực hiện việc thay đổi này trong nội bộ mà không thông báo với cơ quan nhà nước. Bài viết viết dưới đây hướng dẫn những lưu ý khi thay đổi bác sĩ đứng đầu phòng khám mà bạn cần biết: 

  (Phòng khám khi thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn có cần thông báo tới cơ quan nhà nước không?)

1. Căn cứ pháp lý khi thay đổi bác sĩ đứng đầu phòng khám

– Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009;

– Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

– Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

– Thông tư số 278/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế.

2. Khi thay đổi bác sĩ đứng đầu có cần thông báo tới cơ quan có thẩm quyền không?

Theo điểm a Điều 23 Nghị định 109/2016/NĐ-CP được bổ sung tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định: “Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được thể hiện bằng văn bản.” Nghị định 109/2016/NĐ-CP cũng hướng dẫn hồ sơ và trình tự, thủ tục đề nghị thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Do đó, khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh muốn thay đổi bác sĩ đứng đầu – người chịu trách nhiệm chuyên môn thì cần nộp hồ sơ đề nghị thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được giải quyết.

Dưới đây là nội dung tư vấn của Luật Tiền Phong về nội dung cụ thể được quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP để các bạn hiểu rõ hơn và thực hiện thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ đề nghị thay đổi bác sĩ đứng đầu: 

Hồ sơ đề nghị thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

– Đơn đề nghị (theo Mẫu số 07 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP);

– Quyết định bãi nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trước đây;

– Quyết định bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

– Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người được bổ nhiệm chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

– Hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của người được bổ nhiệm chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

– Giấy xác nhận quá trình đã hành nghề 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề (theo Mẫu 10 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP);

– Bản gốc Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp.

Phí thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Theo mục 3 tại biểu mức thu phí trong lĩnh vực y tế ban hành kèm theo Thông tư số 278/2016/TT-BTC thì phí thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là 1.500.000 đồng/lần.

4.  Thủ tục thay đổi bác sĩ đứng đầu

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị những giấy tờ trên và lập thành 01 bộ hồ sơ gửi tới cơ quan có thẩm quyền như sau:

– Bộ Y tế đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, bệnh viện tư nhân hoặc bệnh viện thuộc các bộ khác;

– Sở Y tế đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn, trừ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định trên.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ thì sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận gửi ngay cho cơ sở đề nghị thay đổi Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Mẫu 09 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

Trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu điện thì trong thời hạn 03 ngày, tính từ thời điểm nhận được hồ sơ (tính theo dấu bưu điện đến), cơ quan tiếp nhận gửi cho cơ sở đề nghị thay đổi Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Mẫu 09 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

Bước 3: Kiểm tra hồ sơ

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải xem xét để cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động trong thời hạn 60 ngày đối với bệnh viện; 45 ngày đối với các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp không cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động chưa hợp lệ thì thực hiện như sau:

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải văn bản thông báo cho cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải nêu cụ thể là bổ sung những tài liệu nào, nội dung nào cần sửa đổi.

– Khi nhận được văn bản yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bổ sung, sửa đổi theo đúng những nội dung đã được ghi trong văn bản và gửi về cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

– Sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, sửa đổi, nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì phải cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động trong thời gian quy định ở trường hợp hồ sơ hợp lệ; nếu không cấp lại, điều chỉnh thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

– Sau 60 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản yêu cầu mà cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động không bổ sung, sửa đổi, hoặc bổ sung, sửa đổi hồ sơ nhưng không đạt yêu cầu thì phải thực hiện lại từ đầu thủ tục đề nghị cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động.

Trên đây là bài chia sẻ, tư vấn về CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH KHI THAY ĐỔI NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHUYÊN MÔN CẦN THÔNG BÁO TỚI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC KHÔNG? của Luật Tiền Phong. Chúng tôi mong rằng những chia sẻ trên giúp cho khách hàng có thêm những thông tin và hiểu biết cơ bản về thủ tục này. Nếu có bất cứ câu hỏi nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn.

Khách hàng quan tâm có thể tìm hiểu thêm các bài tư vấn về phòng khám dưới đây:

Thành lập phòng khám chuyên khoa đầy đủ nhất

Thủ tục bổ sung nhân sự phòng khám tại Hà Nội

===================

BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – LUẬT TIỀN PHONG

Hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386

Hotmail: contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

 

Bình Luận

Vi phạm Luật Quảng cáo thực phẩm chức năng và xử phạt

Bảo vệ người tiêu dùng Luật sư Khúc Thị Quyên tư vấn

Tư vấn thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài

Chính sách bồi thường khi nhà nước thu hồi đất

0916 16 26 18 0976 714 386