Luật Tiền Phong – Tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức được thành lập để hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ …. và các hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ đất nước. Về cơ bản tên gọi của tổ chức phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động chính và không được trùng lặp với tổ chức KH&CN khác. Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, các tổ chức khoa học công nghệ ngày càng nhiều nên sự cạnh tranh ngày càng lớn. Vì vậy, để có thể phân biệt, nhận diện các tổ chức khoa học và công nghệ thì tên của các tổ chức khoa học công nghệ là một dấu hiệu nhận diện nhanh chóng và dễ dàng – hay còn gọi là tên thương mại của tổ chức khoa học và công nghệ (tên Viện nghiên cứu).
Bài viết dưới đây sẽ tư vấn cho Quý Khách hàng về việc lựa chọn tên Viện nghiên cứu không xâm phạm sở hữu trí tuệ mà vẫn đáp ứng yêu cầu của Luật Khoa học và công nghệ.
1. Cơ sở pháp lý
– Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành;
– Luật Khoa học và công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Các quy định chung
2.1. Khái niệm
Tên thương mại là một trong những đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ:
“2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý”.
Về định nghĩa, tên thương mại được quy định tại khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
“21. Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.
2.2. Căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại
Theo điểm b khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ:
“Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó”.
Như vậy, việc dùng tên thương mại được hiểu là sử dụng tên thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh nhằm mục đích thương mại và thể hiện tên thương mại đó trong các giấy tờ giao dịch, trên biển hiệu, trên sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và trên các phương tiện cung cấp dịch vụ, quảng cáo…
2.3. Điều kiện bảo hộ tên thương mại
Theo Điều 76 Luật Sở hữu trí tuệ, điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ đó là:
“Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”.
Theo đó, điều kiện để tên thương mại được bảo hộ là phải có khả năng phân biệt giữa các chủ thể kinh doanh trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Tuy nhiên, mặc dù được pháp luật bảo vệ nhưng việc bảo hộ tên thương mại lại có những đặc thù riêng, khác với các đối tượng khác. Tên thương mại sẽ không được bảo hộ dưới hình thức Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ mà sẽ tự được công nhận thông qua việc sử dụng trong hoạt động kinh doanh bình thường và chủ sở hữu tên thương mại sẽ phải tự chịu trách nhiệm.
3. Tư vấn đặt tên Viện nghiên cứu không xâm phạm sở hữu trí tuệ
Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 6 Thông tư số 03/2014/TT-BKHCN ngày 31/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định về tên tổ chức khoa học và công nghệ như sau:
– Tên gọi của tổ chức phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động chính, không được trùng lặp với tổ chức KH&CN khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo đảm không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân đang được bảo hộ tại Việt Nam.
+ Tên đầy đủ bằng tiếng Việt: bao gồm hình thức của tổ chức (viện, trung tâm…) và tên riêng của tổ chức; phần tên riêng phải phù hợp với lĩnh vực đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ chính của tổ chức.
+ Tên giao dịch quốc tế: Tên tổ chức KH&CN bằng tiếng nước ngoài được dịch từ tên tiếng Việt tương ứng; phần tên riêng có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
+ Tên viết tắt: Nếu tổ chức KH&CN có tên viết tắt (kể cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài), thì tên viết tắt phải bao gồm những chữ cái đầu của các từ là yếu tố chính của tên (cụm từ) đó.
– Tổ chức KH&CN phải tự chịu trách nhiệm về việc lựa chọn tên của tổ chức mình, bao gồm tên đầy đủ bằng tiếng Việt, tên giao dịch quốc tế và tên viết tắt.
Ngoài ra, theo quy định thì tên thương mại có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các quy định như sau:
– Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;
Ví dụ: Công ty TNHH xây dựng Xuân Mai; Công ty cổ phần bia hơi Sài Thành; Công ty TNHH Điện máy xanh…
– Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
– Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
Như vậy, từ những quy định trên, ta có thể hiểu, để tên Viện nghiên cứu không xâm phạm Luật sở hữu trí tuệ nhưng vẫn đúng theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ thì cần chú ý 4 điểm sau:
1. Tra cứu thông tin các Viện/trung tâm đã thành lập để không bị xâm phạm tên thương mại.
2. Nên đặt tên viện nghiên cứu bằng cả 3 loại: tên đầy đủ bằng Tiếng Việt, tên giao dịch quốc tế và tên viết tắt (đối với từng loại tên thì theo quy định như trên).
Ví dụ:
+ Tên đầy đủ bằng tiếng Việt: VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ TƯ VẤN DINH DƯỠNG
+ Tên đầy đủ bằng tiếng anh: NUTRITIONAL RESEARCH AND CONSULTING INSTITUTE
+ Tên viết tắt bằng tiếng anh: NRACI
3. Đối với tên đầy đủ bằng Tiếng Việt theo công thức sau:
Hình thức của tổ chức (Viện/trung tâm) + lĩnh vực đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ chính + tên riêng.
Ví dụ:
+ Tên đầy đủ bằng tiếng Việt: VIỆN CÔNG NGHỆ VÀ XÂY DỰNG BAMBAM
+ Tên đầy đủ bằng tiếng anh: BAMBAM CONSTRUCTION AND TECHNOLOGY INSITITUE
+ Tên viết tắt bằng tiếng anh: BATI
4. Nên đăng công khai các thông tin về Viện của mình và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với tên thương mại đó để được đảm bảo tốt nhất.
KẾT LUẬN: Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chưa có cơ chế quản lý toàn bộ, đồng nhất đối với các tổ chức khoa học và công nghệ như Hệ thống đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, việc bảo hộ tên thương mại cũng không phải đăng ký đến Cục sở hữu trí tuệ, không được cấp văn bằng bảo hộ mà thông qua quá trình sử dụng nên các tổ chức khoa học và công nghệ cần lưu ý vấn đề đặt tên Viện nghiên cứu của mình sao cho không bị xâm phạm sở hữu trí tuệ và đúng với quy định của Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành.
Trên đây là bài chia sẻ, tư vấn về việc Lựa chọn tên Viện nghiên cứu không xâm phạm sở hữu trí tuệ của Luật Tiền Phong. Chúng tôi mong rằng những chia sẻ trên giúp cho khách hàng có thêm những thông tin và hiểu biết cơ bản về thủ tục này.
Nếu có bất cứ câu hỏi nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn.
===================
BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – LUẬT TIỀN PHONG
Hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội