• Trụ sở chính: Tổ 10 Phường Phú La, Quận Hà Đông, Hà Nội
  • VPDG: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội
  • Email:  Contact@luattienphong.vn / Liendt@luattienphong.vn

Cách xử lý khi có hai kết luận giám định của hai cơ quan giám định mâu thuẫn nhau?

(Luật Tiền Phong) – Kết luận giám định tư pháp được xem là một nguồn căn cứ chứng minh tội phạm. Kết luận giám định do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước phát hành, và cơ quan này phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan của kết luận.

Tuy nhiên, trong 1 vụ án mà kết luận giám định là căn cứ định tội lại có hai bản, được ban hành bởi 2 cơ quan có thẩm quyền khác nhau thì giải quyết như thế nào? cơ quan tiến hành tố tụng có được sử dụng 1 trong 2 bản kết luận có nội dung không giống nhau để buộc tội bị can, bị cáo? Mời các bạn tham khảo bài viết của chúng tôi dưới đây để hiểu thêm về 1 tình huống pháp lý khá thú vị này.

Cách xử lý khi có hai kết luận giám định của hai cơ quan giám định mâu thuẫn nhau?

Cách xử lý khi có hai kết luận giám định của hai cơ quan giám định mâu thuẫn nhau?

1.  Kết luận giám định là gì và ý nghĩa của nó trong các hoạt động tố tụng

Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định. Nôm na hiểu kết luận giám định là kết quả của quá trình giám định tư pháp.

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của luật giám định tư pháp.

2.  Kết luận giám định có ý nghĩa như thế nào trong việc giải quyết vụ án

Nói chung, việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, lao động, kinh doanh thương mại… có nhiều chứng cứ là tài liệu, vật chứng mà chưa thể xác định được ngay là có thể sử dụng được làm nguồn chứng cứ giải quyết vụ án hay không thì cần giám định tư pháp.

Đối với vụ án hình sự, nếu tài liệu, đồ vật có dấu hiệu chứa đựng tư pháp thì cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu giám định để làm rõ.

3.  Thẩm quyền giám định

Theo quy định của Điều 5 và Điều 6 Nghị định 85/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giám định tư pháp thì các tổ chức giám định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (gồm Viện khoa học kỹ thuật hình sự trực thuộc Bộ Công an và các phòng Khoa học kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh) đều được thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và luật giám định tư pháp.

Các văn bản pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật giám định tư pháp đều không quy định cụ thể về lựa chọn cơ quan giám định nên có thể hiểu, tuỳ theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng thì cả hai hệ thống tổ chức của hai bộ trên đều có quyền thực hiện giám định tư pháp.

Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu tổ chức giám định cho ra một kết quả, sau đó lại yêu cầu một tổ chức giám định khác và cho ra kết luận giám định khác nội dung thì giải quyết như thế nào?

4.  Các trường hợp phải giám định lại

Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự thì:

Điều 211. Giám định lại

  1. Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.
  2. Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  3. Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp.”

Với quy định trên thì việc giám định lại được tiến hành khi:

Thứ nhất, khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sẽ trưng cầu giám định lại.

Thứ hai, Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trong trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thứ ba, Khi có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp.

5.  Trường hợp đặc biệt

Luật Tiền Phong chia sẻ một trường hợp chúng tôi gặp phải khi tham gia bào chữa cho bị can bị cơ quan điều tra quân sự khởi tố và điều tra. Trong vụ án này, cơ quan điều tra quân sự cấp tỉnh giải quyết tin báo tố giác, cơ quan này yêu cầu Viện KHHS Bộ Công an giám định một số tài liệu người có đơn yêu cầu cung cấp. Kết quả giám định là: chưa đủ cơ sở xác định tội phạm.

Sau đó, cơ quan điều tra quân sự cấp tỉnh căn cứ một số yếu tố và chuyển hồ sơ về cơ quan điều tra quân sự cấp huyện xác minh theo thẩm quyền. Cơ quan này lại trưng cầu tổ chức giám định của Bộ Quốc phòng và kết luận giám định là: xác định được hành vi.

Cơ quan điều tra quân sự cấp huyện vì thế đã báo cáo viện kiểm sát cùng cấp khởi tố vụ án, cơ quan điều tra khởi tố bị can.

Trong trường hợp này, hai kết luận giám định có nội dung khác nhau thì luật sư cần làm gì và có thể làm gì?

6.  Luật sư, bị can, bị cáo, đương sự trong vụ án hình sự có quyền như thế nào đối với kết luận giám định?

Theo quy định của Luật giám định tư pháp thì bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có các quyền sau:

“Điều 214. Quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định

…3. Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; đề nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản.

4. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 73 của BLTTHS 2015 thì người bào chữa có quyền:

…k) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;”

Như vậy, với vai trò của người bào chữa thì luật sư có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền – Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự trình bày ý kiến của mình về kết quả giám định và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền này tiến hành giám định lại.

Ngoài ra, theo quy định của thông tư liên tịch  số 01/2017/TTLT – VKSNDTC – TANDTC – BCA – BTP thì:

“Điều 8. Đánh giá, sử dụng kết luận giám định

  1. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng khi xem xét, đánh giá, sử dụng kết luận giám định phải bảo đảm thống nhất, phù hợp với các chứng cứ khác có liên quan đến vụ án, vụ việc.
  2. Trường hợp kết luận giám định chưa rõ hoặc khi cần thiết, để tạo cơ sở cho việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định được chính xác, khách quan, cơ quan trưng cầu giám định, người trưng cầu giám định yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định giải thích cụ thể về quá trình thực hiện giám định, kết quả giám định.

Tổ chức, cá nhân thực hiện giám định có trách nhiệm tham gia hoặc cử đại diện tham gia tố tụng và trình bày, giải thích về kết luận giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.”

Với các hướng dẫn chi tiết trong các điều luật chúng tôi viện dẫn, luật sư, đương sự trong vụ án hình sự có quyền và nên: (1) trình bày bằng văn bản về ý kiến của mình đối với kết luận giám định; (2) đề nghị trưng cầu giám định lại bởi cơ quan giám định thứ ba hoặc đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu hội đồng giám định để xem lại tài liệu, chứng cứ. Thực tế, Luật Tiền Phong đã tiến hành các biện pháp này và bảo vệ được một số vụ án làm thay đổi hoàn toàn cục diện vụ án.

Trên đây là chia sẻ của Luật Tiền Phong về vấn đề rất thú vị và khá mới này, hi vọng có ý nghĩa với các bạn. Nếu các bạn cần luật sư tư vấn, hỗ trợ, vui lòng kết nối đến tổng đài hotline 091 6162 618 hoặc email contact@luattienphong.vn để được hỗ trợ.

====================

BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT TIỀN PHONG

Hotline: 091 6162 618

Hotmail: contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Toà nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

Bình Luận

Vi phạm Luật Quảng cáo thực phẩm chức năng và xử phạt

Bảo vệ người tiêu dùng Luật sư Khúc Thị Quyên tư vấn

Tư vấn thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài

Chính sách bồi thường khi nhà nước thu hồi đất

0916 16 26 18 0976 714 386