(Luật Tiền Phong) – Ô tô đang ngày càng phổ biến kể từ những năm 2010 đến nay và chiếm một tỉ trọng lớn trong lượng phương tiện tham gia giao thông hiện nay, kéo theo đó là nhu cầu trong việc bảo dưỡng, sửa chữa ô tô của người dân, nhiều người muốn mở garage ô tô để đáp ứng nhu cầu này, vậy pháp luật quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng ô tô như thế nào?
1. Điều kiện về chủ thể
Nghị định 116/2017/NĐ-CP điều chỉnh đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Tại Điều 21 về điều kiện cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô:
“Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô khi đáp ứng các điều kiện…”
Như vậy trước hết, để kinh doanh dịch vụ này thì điều kiện đầu tiên là phải thành lập doanh nghiệp. Theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì bạn có thể lựa chọn một trong các loại doanh nghiệp như: Doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên, công ty cổ phần.
Và có đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp, cụ thể:
Mã ngành 4520: Bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và xe có động cơ khác.
Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô được thực hiện các dịch vụ: Sửa chữa phần cơ, phần điện, hệ thống đánh lửa tự động; Bảo dưỡng thông thường; Sửa chữa thân xe; Sửa chữa các bộ phận của ô tô; Rửa xe, đánh bóng, phun và sơn; Sửa tấm chắn và cửa sổ; Sửa nội thất ô tô; Sửa, bơm, vá, thay thế lốp, săm; Xử lý chống gỉ; Lắp đặt, thay phụ tùng và các bộ phận phụ trợ không thuộc công đoạn sản xuất.
2. Điều kiện về cơ sở vật chất
+ Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp.
Để chứng minh khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, doanh nghiệp có thể cung cấp một trong các giấy tờ sau đây: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Hợp đồng thuê đất, hợp đồng ủy quyền sử dụng đất,…
+ Mặt bằng, nhà xưởng đảm bảo phục vụ thực hiện bảo hành, bảo dưỡng.
+ Có các khu vực thực hiện các công việc tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra xuất xưởng, có nhà điều hành, kho linh kiện, phụ kiện, khu vực rửa xe đáp ứng được công việc.
+ Có đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Các trang thiết bị đo lường phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đo lường.
+ Có thiết bị chẩn đoán động cơ, tình trạng kỹ thuật của xe (đối với ô tô có trang bị bộ điều khiển điện tử) phù hợp với các loại xe do cơ sở thực hiện bảo hành, bảo dưỡng. Phần mềm thiết bị chẩn đoán phải tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ.
+ Có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của: Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hoặc nước ngoài.
3. Điều kiện về nhân sự
Có đội ngũ nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng cho việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Các điều kiện cơ sở vật chất và nhân sự nói trên được thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11794 Tiêu chuẩn cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và các phương tiện tương tự.
4. Điều kiện về phòng cháy chữa cháy
Tại Khoản 12 Phụ lục I, danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP về phòng cháy chữa cháy:
“12. cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới; cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy.”
Như vậy cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô phải thực hiện các thủ tục để đảm bảo đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, tùy theo quy mô diện tích của cơ sở mà thủ tục xin cấp Giấy phòng cháy chữa cháy sẽ đơn giản hoặc phức tạp.
5. Điều kiện về Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô
Cơ sở đủ các điều kiện nói trên được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô khi làm hồ sơ đề nghị cấp Giấy tại Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận gồm:
+ Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao y)
+ Bản kê khai năng lực cơ sở vật chất của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô
Trình tự cấp Giấy chứng nhận:
+ Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Cục Đăng kiểm Việt Nam;
+ Cục Đăng kiểm tiến hành kiểm tra hồ sơ và đến trực tiếp cơ sở để kiểm tra thực tế;
+ Sau khi kiểm tra thực tế và đạt yêu cầu, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Cục Đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở.
6. Hoạt động kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với cơ sở
Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ kiểm tra định kỳ 02 năm một lần đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa ô tô trong nước.
Ngoài ra, khi nhận được thông tin phản ánh của khách hàng đối với cơ sở, Cơ quan Đăng kiểm sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất cơ sở để xác minh những phản ánh, khiếu nại đó.
Nếu có sai phạm hoặc nhận thấy cơ sở không còn đủ tiêu chuẩn, tùy vào mức độ mà Cơ sở có thể bị tạm dừng hiệu lực hoặc thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Trên đây là tư vấn của Luật Tiền Phong về điều kiện mở cửa hàng sửa chữa xe ô tô. Để hiểu rõ hơn mọi băn khoăn, thắc mắc, vui lòng liên hệ với đội ngũ luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ, giải đáp mọi vấn đề liên quan từ việc chuẩn bị hồ sơ đến khi hoàn thành thủ tục.
Có thể Quý khách hàng cũng quan tâm đến các vấn đề như cho thuê ô tô tự lái hoặc kinh doanh vận tải bằng ô tô, vui lòng tham khảo bài viết (Tại đây) hoặc (Tại đây).
=====================
BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT TIỀN PHONG
Hotline: 091 616 2618/0976 714 386
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội