(Luật Tiền Phong) – Sản xuất phân bón là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy trên thực tế khi doanh nghiệp sản xuất phân bón phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vậy điều kiện, thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện cũng như những lưu ý trên thực tế như thế nào, trong bài viết lần này chúng tôi sẽ tư vấn cụ thể cho các bạn, mời các bạn đón đọc để có thêm những thông tin chi tiết:
1. Điều kiện để được sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác
Để được sản xuất phân bón hữu cơ cũng như các loại phân bón khác và đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón doanh nghiệp phải đáp ứng tất cả các yêu cầu sau:
Một là, điều kiện về tư cách pháp nhân:
Để đảm bảo điều kiện về tư cách pháp nhân, chủ thể đứng ra Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành. Tùy thuộc vào quy mô phát triển và từng loại hình của doanh nghiệp mà các bạn có thể lựa chọn thành lập:
- Doanh nghiệp tư nhân;
- Công ty hợp danh;
- Công ty cổ phẩn;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn (một thành viên hoặc hai thành viên trở lên).
Hai là, điều kiện về đất đai dùng làm nhà xưởng sản xuất:
- Trước hết, các bạn phải đảm bảo về điều kiện mục đích sử dụng đất, cụ thể: diện tích đất được sử dụng để làm nhà xưởng sản xuất phải là đất ở; đất thương mại, dịch vụ; đất sản xuất kinh doanh và quan trọng không được là đất nông nghiệp;
- Tiếp theo, đảm bảo về quyền sử dụng đất hợp pháp: diện tích đất được sử dụng để làm nhà xưởng sản xuất phải thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp của doanh nghiệp, được chứng minh bằng các tài liệu như: Quyết định giao đất/ cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu là đất của công ty;
- Hoặc có Hợp đồng thuê địa điểm hợp pháp (có công chứng, chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của chủ sử dụng hiện tại trong trường hợp thuê địa điểm;
- Có diện tích nhà xưởng phù hợp với công suất sản xuất cũng như dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón mà doanh nghiệp dự định đầu tư.
Ba là, điều kiện về dây chuyền, máy móc thiết bị:
- Dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng phải đáp ứng quy trình công nghệ đối với từng loại phân bón khác nhau.
- Các công đoạn, hệ thống bắt buộc phải sử dụng máy thiết bị được cơ giới hóa hoặc tự động hóa phải đảm bảo theo quy định của pháp luật (các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của Luật Tiền Phong để biết được những công đoạn, hệ thống bắt buộc nào phải sử dụng máy thiết bị được cơ giới hóa, tự động hóa).
- Máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh theo quy định của pháp luật. Trường hợp 1: nếu máy móc thiết bị doanh nghiệp mua của các đối tác và doanh nghiệp khác chuyên cung cấp máy móc, thiết bị trong lĩnh vực phân bón thì những hồ sơ kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh doanh nghiệp sẽ yêu cầu phía đối tác cung cấp. Trường hợp 2: nếu máy móc thiết bị do chính doanh nghiệp sản xuất và cung ứng luôn thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh và cung cấp những hồ sơ này.
Bốn là, điều kiện về cơ sở vật chất:
- Có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt. Nguyên liệu đầu vào và thành phẩm phải có khu vực tập kết khác nhau đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật để đảm bảo rằng nguyên liệu đầu vào và thành phẩm với chất lượng tốt nhất;
- Có kệ hoặc bao lót để xếp đặt hàng;
- Có phòng thử nghiệm được công nhận hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất. Nếu doanh nghiệp tự xây dựng phòng thử nghiệm để kiểm tra chất lượng phân bón sau khi sản xuất ra thì phòng thử nghiệm này phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận theo quy định. Nếu doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện xây dựng phòng thử nghiệm riêng thì phái có hợp đồng nguyên tắc với tổ chức thử nghiệm được chỉ định hoặc được công nhận để chuyển những mẫu phân bón này đến tổ chức thử nghiệm để kiểm tra về chất lượng trước khi đưa ra thị trường;
- Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương, đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau 01 năm kể từ ngày thành lập. Doanh nghiệp sẽ tự xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho từng loại phân bón riêng biệt mình sản xuất ra sao cho phù hợp với ISO 9001 hoặc những hệ thống quản lý chất lượng khác tương đương.
Năm là, điều kiện về nhân sự:
- Đối với người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất phải có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.
Sáu là, điều kiện về nước dùng trong sản xuất phân bón:
- Nước dùng trong sản xuất phân bón phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo chuẩn quy định về nước sản xuất và phải có Phiếu kiểm định nước đạt tiêu chuẩn của những cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm định nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Bảy là, điều kiện về vệ sinh môi trường:
- Vệ sinh môi trường tại khu vực sản xuất phân bón và những khu vực lân cận phải được đảm bảo vệ sinh. Đối với những loại rác thải rắn, doanh nghiệp phải tiến hành thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định và có Hợp đồng thu gom rác thải với công ty có chức năng về môi trường để tiến hành việc thu gom.
- Ngoài ra đối với nước thải mà doanh nghiệp thải ra môi trường thì để tránh gây ô nhiễm, doanh nghiệp phải lắp đặt hệ thống xử lý nước thải phù hợp với quy mô và phải có Kế hoạch bảo vệ môi trường được Bộ/Sở Tài nguyên và Môi trường nơi doanh nghiệp đặt nhà xưởng xác nhận.
2. Hồ sơ cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác
Để xin được Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác doanh nghiệp cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;
- Bản thuyết minh về điều kiện sản xuất phân bón;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao chứng thực);
- Hồ sơ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với địa điểm dùng làm nhà xưởng sản xuất:
+ Quyết định giao đất/ cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu là đất của doanh nghiệp;
+ Hoặc Hợp đồng thuê địa điểm nhà xưởng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của chủ sử dụng đất hiện tại.
- Phiếu kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh đối với máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và các thiết bị đo lường thử nghiệm.
- Hồ sơ nhân sự của người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất:
+ CMND, Sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực);
+ Bằng tốt nghiệp đại học trở lên của một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học;
+ Giấy khám sức khỏe;
+ Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó thường trú;
+ Hợp đồng lao động với công ty.
- Phiếu kiểm định nước đạt tiêu chuẩn về nước sản xuất theo quy định của pháp luật.
- Hồ sơ chứng minh đảm bảo đủ điều kiện về môi trường:
+ Hợp đồng thu gom rác thải rắn với các tổ chức có chức năng về môi trường;
+ Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;
+ Hoặc Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết;
+ Hoặc Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường;
+ Hoặc Cam kết bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.
- Hồ sơ chứng minh đủ điều kiện về PCCC:
+ Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
+ Hoặc phương án chữa cháy của cơ sở.
- Hồ sơ chứng minh phòng thử nghiệm phân bón:
+ Quyết định công nhận cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm phân bón;
+ Hoặc hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định.
- Hệ thống quản lý chất lượng do doanh nghiệp tự xây dựng.
3. Trình tự thủ tục cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác
- Doanh nghiệp chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ như trên nộp tại Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để thuận tiện hơn cho doanh nghiệp thì đối với những doanh nghiệp tại Hà Nội có thể đến nộp hồ sơ trực tiếp để được chuyên viên tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, chỉnh sửa và tư vấn. Còn đối với những doanh nghiệp có nhà xưởng sản xuất tại các tỉnh thành khác thì để thuận tiện cho việc nộp hồ sơ, doanh nghiệp nên nộp hồ sơ qua đường bưu điện.
- Sau khi kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của bộ hồ sơ cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ trả cho doanh nghiệp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, đối với doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp sẽ nhận được giấy biên nhận bản giấy trực tiếp, nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ qua đường bưu điện sẽ nhận được giấy biên nhận qua địa chỉ email mà doanh nghiệp đăng ký trong bộ hồ sơ.
- Cục Bảo vệ thực vật sẽ tổ chức một buổi thẩm định cơ sở vật chất thực tế tại nhà xưởng sản xuất của doanh nghiệp, doanh nghiệp nên vệ sinh nhà xưởng sạch sẽ, chuẩn bị đầy đủ tất cả cơ sở vật chất và trang thiết bị để phục vụ cho buổi kiểm tra.
- Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và kết quả thẩm định đáp ứng các điều kiện, Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón.
- Việc nhận kết quả Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón sẽ được trả kết quả trực tiếp tại Cục Bảo vệ thực vật cho những doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc những doanh nghiệp ở các tỉnh thành khác có thể đăng ký trả kết quả qua đường bưu điện để thuận tiện hơn cho mình.
Có thể bạn quan tâm:
>>> Lưu ý khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;
>>> Tư vấn cấp lại chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón mới nhất;
>>> Tư vấn điều kiện phòng cháy chữa cháy cho cơ sở sản xuất phân bón;
>>> Đất nông nghiệp có được xây dựng nhà xưởng sản xuất phân bón?
>>> Điều kiện sản xuất phân bón mới nhất
Trên đây là tất cả những nội dung mà Luật Tiền Phong tư vấn cho các bạn về thủ tục xin cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác, qua bài viết này các bạn đã có được những thông tin rất cụ thể và chi tiết để có thể tự thực hiện. Nếu còn bất kỳ băn khoăn, thắc mắc hay muốn được chúng tôi hỗ trợ thực hiện hãy liên hệ với chúng tôi qua số hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386 để được các Luật sư và chuyên viên tư vấn cụ thể và chi tiết.
================
BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÀNH CHÍNH – LUẬT TIỀN PHONG
Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội
Hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386
Hotmail: contact@luattienphong.vn