• Trụ sở chính: Tổ 10 Phường Phú La, Quận Hà Đông, Hà Nội
  • VPDG: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội
  • Email:  Contact@luattienphong.vn / Liendt@luattienphong.vn

Quy định về chế độ thai sản trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất

Luật Tiền Phong – Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất đã đưa bổ sung quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ thai sản.  Đây là một trong những nội dung quan trọng được Luật Tiền Phong chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Các nội dung chính của bài viết:

  – Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

  – Các chế độ hiện có trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

  – Quy định về chế độ thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội

  – Ý nghĩa của việc bổ sung quy định về chế độ thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

   Trợ cấp thai sản

1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Khái niệm về bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tại Khoản 3 Điều 3 LBHXH 2014:  “Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất”.

Đến Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất, khái niệm này đã có sự thay đổi về nội dung như sau: “Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động tự nguyện tham gia, lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình” (Theo Khoản 4 Điều 3 Dự thảo).

2. Các chế độ hiện có trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, có hai chế độ nằm trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện là chế độ hưu trí và chế độ tử tuất theo quy định tại Điều 4. Cụ thể:

Chế độ hưu trí: Pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể về hưu trí hay chế độ hưu trí, nhưng ta có thể hiểu chế độ hưu trí là một chế độ đảm bảo thu nhập cho người lao động khi họ hết độ tuổi lao động (nghỉ hưu). Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện đều có thể được hưởng chế độ này. Quy định về chế độ hưu trí nằm ở Mục 1 Chương IV Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chế độ tử tuất: Là chế độ trợ cấp thuộc cả hai chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động cho thân nhân của họ hoặc cho những khoản chi phí phát sinh do người lao động tham gia bao hiểm xã hội chết. Quy định về chế độ này nằm tại Mục 2 Chương IV Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

3. Quy định về chế độ thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội

Dự thảo Luật năm 2023 hiện tại đã bổ sung thêm hai chế độ vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện là: trợ cấp thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, Vệ sinh lao động, trong đó đáng chú ý nhất là trợ cấp thai sản. Quy định về chính sách này nằm ở Chương VI Bảo hiểm xã hội tự nguyện của Dự thảo Luật.

Trước hết, trợ cấp thai sản có thể được hiểu là những quyền lợi mà người phụ nữ đang mang thai, sinh con hoặc nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi được nhận khi tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ. Đây cũng là một trong những chế độ của chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhằm bảo đảm thu nhập và sức khỏe cho người lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nuôi sơ sinh, thực hiện các biện pháp tránh thai và cho lao động nam khi có vợ sinh con.[2]

Quy định về trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm 5 nội dung như sau:

  – Đối tượng áp dụng

    Theo Điều 99 Dự thảo Luật, đối tượng được áp dụng trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện là người lao động được quy định tại Khoản 4 Điều 31 Dự thảo, cụ thể là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

  – Điều kiện hưởng trợ cấp thai sản

    Theo Khoản 1 Điều 100 Dự thảo Luật, người lao động được quy định tại Điều 99 được hưởng trợ cấp thai sản nếu thuộc một trong hai trường hợp sau:

     + Lao động nữ sinh con;

     + Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

    Theo Khoản 2 Điều này thì người lao động thuộc trường hợp trên phải đóng bảo hiểm xã hội đủ 06 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

  – Mức hưởng trợ cấp thai sản

    Căn cứ tại Điều 101 Dự thảo Luật, trợ cấp thai sản dành cho người lao động sẽ được Ngân sách Nhà nước bảo đảm. Cụ thể, quy định tại Điều này như sau:

    Lao động nữ sinh con, lao động nam có vợ sinh con hay người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng có người mẹ là người duy nhất tham gia bảo hiểm xã hội nhưng đã chết thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con mới sinh. Trong trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội và đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản theo Khoản 1 Điều 100 Dự thảo Luật thì chỉ một trong hai người được hưởng chế độ.

  – Hồ sơ hưởng trợ cấp thai sản

    Người lao động khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản theo Khoản 1 Điều 100 Dự thảo Luật thì cần chuẩn bị hồ sơ hưởng trợ cấp thai sản gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội, trong đó bao gồm:

    + Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

    + Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau sinh con mà mẹ chết;

    + Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh.

  – Giải quyết hưởng trợ cấp thai sản

    Căn cứ theo Khoản 1 Điều 103 Dự thảo Luật, người lao động trong thời hạn 45 ngày kể từ khi sinh con sẽ có trách nhiệm phải có nộp hồ sơ quy định tại Điều 102 Dự thảo Luật đến cơ quan bảo hiểm xã hội.

    Tiếp theo, tại Khoản 2 Điều 103 quy định trong thời hạn 05 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hưởng trợ cấp thai sản của người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động, nếu không giải quyết được phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Ý nghĩa của việc bổ sung quy định về chế độ thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

Việc bổ sung thêm chế độ thai sản cho người tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể được xem như là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ bảo hiểm xã hội, tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo  Đồng thời, sự bổ sung này cũng là để người dân có thể hiểu hết giá trị của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và chủ động tham gia bởi đây là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, do Nhà nước tổ chức thực hiện; được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ mức đóng, cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); không vì lợi nhuận và mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân. 

 

Trên đây là bài viết về quy định mới trong dự thảo luật Bảo hiểm xã hội mới nhất, chúng tôi hi vọng rằng, bài viết cung cấp được các thông tin hữu ích cho Quý độc giả. Nếu bạn đọc có câu hỏi nào hoặc thắc mắc nội dung nào, vui lòng gửi đến hotmail: Contact@luattienphong.vn hoặc liên hệ hotline: 091 616 2618/0976 714 386 của Luật Tiền Phong để được luật sư giải đáp.

=============================

 

CÔNG TY LUẬT TNHH TIỀN PHONG

Hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386

Hotmail: contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng , số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội

Bình Luận

Vi phạm Luật Quảng cáo thực phẩm chức năng và xử phạt

Bảo vệ người tiêu dùng Luật sư Khúc Thị Quyên tư vấn

Tư vấn thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài

Chính sách bồi thường khi nhà nước thu hồi đất

0916 16 26 18 0976 714 386