KHÁCH HÀNG HỎI:
Bố tôi mất năm 2015, để lại một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có di chúc, nay tôi muốn đổi tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang tên của tôi. Xin hỏi luật sư tôi phải làm những thủ tục gì? Hàng thừa kế thứ nhất gồm mẹ tôi 2 anh, 1 chị và vợ tôi. Tất cả các anh chị tôi đều từ chối nhận tài sản thừa kế nhưng theo luật quy định từ khi bố tôi mất đến nay đã hết hạn từ chối nhận thừa kế tài sản vậy xin hỏi luật sư bây giờ tôi phải làm những thủ tục gì ạ?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
LUẬT TIỀN PHONG TRẢ LỜI:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về cho Luật Tiền Phong, đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
Theo như bạn trình bày, bố bạn mất năm 2015 mà không để lại di chúc. Theo quy định Bộ luật dân sự 2005 thì không có di chúc là một trong những trường hợp thừa kế theo pháp luật được áp dụng. Đối với trường hợp của bạn, cần phải phải xác định những vấn đề sau:
Thứ nhất, những người được hưởng di sản thừa kế
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản Bộ luật dân sự 2005, thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì vợ bạn không được hưởng di sản thừa kế của bố bạn.
Thứ hai, về việc hết thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế
Căn cứ theo quy định tại Điều 642 Bộ luật dân sự 2005 thì “ Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.”. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết ( căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 633 Bộ luật dân sự 2005).
Theo như bạn trình bày, thì đã quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Do đó, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất coi như là đã nhận di sản thừa kế, và không thể tiến hành thủ tục từ chối di sản thừa kế.
Thứ ba, về thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
(Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2014)
Trong trường hợp của bạn, nếu bạn, và mẹ, 2 anh trai và chị chưa khai nhận di sản thừa kế, thì cần phải đến văn phòng công chứng để tiến hành khai nhận di sản thừa kế và công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Đồng thời, gia đình bạn cần tiến hành làm thủ tục nhượng di sản thừa kế cho bạn.
Bước 1. Công chứng hợp đồng chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất
Cần chuẩn bị một số giấy tờ như :
+ Giấy chứng tử của bố bạn
+ Bản sao giấy tờ tuỳ thân ( chứng minh thư, sổ hộ khẩu)
+ Văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng mà pháp luật quy định phải có.
Bước 2. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Hồ sơ bao gồm:
+ Hợp đồng chuyển nhượng, hoặc tặng cho quyền sử dụng đất
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên…
Bước 3. Nộp hồ sơ tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp quận.
Luật Tiền Phong cung cấp dịch vụ liên quan đến thủ tục chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất. Quý khách có nhu cầu cần được cung cấp dịch vụ hãy liên hệ với chúng tôi theo số 091 616 2618/ 0976 714 386.
Luật sư Khúc Thị Quyên là Luật sư cao cấp của LTP, có điểm thi kết quả tập sự nghề Luật sư đứng thứ 2 toàn quốc. LS Quyên được đánh giá cao ở sự thông minh, nhiệt tình và trách nhiệm.