Quy định của nhà nước về đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ

(Luật Tiền Phong) – Nhằm khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ, pháp luật có các quy định về đầu tư và tài chính phục vụ cho hoạt động này.

1. Đầu tư của nhà nước trong hoạt động khoa học và công nghệ

Quy định của nhà nước về đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ
Quy định của nhà nước về đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ

Ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ

Nhà nước dành một phần nguồn lực kinh tế mạnh nhất – ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm chi cho khoa học và công nghệ, cụ thể là từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và sẽ tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ.

Thêm vào đó, ngân sách cho khoa học và công nghệ còn được quy định phải ghi thành một mục chi riêng trong mục lục ngân sách nhà nước hằng năm của bộ, ngành, địa phương.

Mục đích chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ

Các mục đích trọng tâm bao gồm:

  • Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm, phục vụ lợi ích chung của xã hội
  • Duy trì và phát triển năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho tổ chức khoa học và công nghệ
  • Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ;
  • Hỗ trợ việc thực hiện nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ
  • Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tại các địa phương;
  • Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, truyền thông, thông tin, thống kê khoa học và công nghệ.

Trong trường hợp cần thiết, ngân sách trên sẽ được dùng để mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, nhà nước có quy định cơ chế đầu tư đặc biệt dẽ được áp dụng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh, có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.

2. Đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân vào hoạt động khoa học và công nghệ

Quá trình hướng đến mục tiêu phát triển chung còn phải huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ. Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho khoa học và công nghệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân được thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật khoa học và công nghệ.

Tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho khoa học và công nghệ sẽ được hưởng ưu đãi về thuế và được tôn vinh, khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ

Luật cũng quy định doanh nghiệp phải dành kinh phí đầu tư nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp sẽ được tính là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa sẽ được quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ xét hỗ trợ, cho vay và được hưởng nhiều ưu đãi khác.

Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá được cũng sẽ được quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn.

Ngoài ra, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật về công nghệ cao. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nước được hỗ trợ lãi suất vay vốn tại ngân hàng.

Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng nhiều ưu đãi, trong đó:

  • Được xem xét, giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước;
  • Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật;
  • Được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;
  • Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh;
  • Được ưu tiên sử dụng trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.

Các bạn có thể tham khảo bài viết đăng ký doanh nghiệp khoa học công nghệ để biết thêm chi tiết về điều kiện đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ và thủ tục liên quan.

=====================

BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT TIỀN PHONG

Hotline: 1900 6289                                   

Hotmail: contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội