Luật Tiền Phong – Pháp luật quy định về người thừa kế như thế nào? Ai được hưởng thừa kế của ai? Trong bài viết sau đây, Luật Tiền Phong sẽ làm rõ về vấn đề này.
KHÁCH HÀNG HỎI:
Chị dâu em muốn được gia đình em chia 1 phần đất nhưng mẹ em không cho và muốn gửi đơn kiện gia đình em. Gia đình em có 4 chị em, 2 chị đều đã lập gia đình và cũng đã cắt hộ khẩu, anh tư và em đều còn trong hộ khẩu cùng với mẹ. Anh tư em cưới vợ được 2 năm và được 1 cháu bé gái, nhưng chị dâu em và cháu gái thì không có nhập hộ khẩu vào gia đình em mà nhập vào hộ khẩu nhà mẹ ruột chị dâu em. Chị dâu em cũng không có ở nhà em thường xuyên để làm dâu mà về nhà mẹ ruột ở. Đến tháng 7 năm 2015 do tai nạn giao thông và anh tư đã mất. Giấy tờ quyền sử dụng đất và giấy tờ khác mẹ em đều đứng tên và mẹ cũng chưa làm giấy tờ gì cho ai trong tất cả các con nhưng mẹ nói là có thể sẽ chia đều cho 4 anh chị em, nhưng giờ chị dâu em muốn được chia phần đất đó thì có được không?
LUẬT TIỀN PHONG TRẢ LỜI:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Bộ phận tư vấn công ty Luật Tiền Phong. Về thắc mắc của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:
Theo như bạn thông tin bạn cung cấp thì: Đất đứng tên mẹ bạn. Do đó, xác định đất thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn và không có liên quan gì đến các con trong gia đình. Do đó, mẹ bạn có toàn quyền quyết định đối với mảnh đất đó.
Chúng tôi có thể chia các trường hợp sau:
Thứ nhất: Mẹ bạn tặng, cho đất
Bạn có nói rằng mẹ bạn có ý định có thể sẽ chia đều đất cho 4 anh chị em. Nếu việc chia đều ở đây là việc mẹ bạn cho đều cho 4 anh chị em mảnh đất đó, mỗi người một phần thì chỉ có 4 anh chị em ruột của bạn được hưởng.
Việc cho ai, cho bằng nào hay không cho ai là do mẹ bạn quyết định. Vì thế, nếu mẹ bạn muốn cho cả chị dâu bạn, hay cho cháu nội thì các con cũng không có quyền ngăn cấm hay can thiệp. Việc cho này là hoàn toàn hợp pháp.
Thứ hai: Mẹ bạn để lại di chúc sau khi mất về tài sản đối với mảnh đất
Nếu mẹ bạn để lại di chúc và di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật thì những người được mẹ bạn định đoạt cho phần đất trong bản di chúc sẽ được hưởng di sản thừa kế. Nếu chị dâu bạn cũng được mẹ bạn để lại cho một phần đất thì chị dâu bạn đương nhiên được hưởng phần này. Những người con khác cũng không có quyền đòi lại phần di sản mà chị dâu bạn được mẹ bạn để lại.
Thứ ba: Mẹ bạn không để lại di chúc sau khi mất
Nếu mẹ bạn qua đời mà không để lại di chúc thì mảnh đất mà mẹ bạn đứng tên sẽ được chia cho các con theo quy định pháp luật về thừa kế.
Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại”.
Theo đó, những người được hưởng thừa kế đối với trường hợp của bạn bao gồm: bố bạn (nếu còn sống); ông, bà nội bạn (nếu còn sống); con nuôi (nếu có); 4 anh chị em bạn.
Chị dâu bạn không thuộc diện thừa kế nên không có quyền yêu cầu chia thừa kế cho mình. Tuy nhiên, do anh trai của bạn mất trước thời điểm mẹ bạn mất nên phần được thừa kế của anh trai bạn sẽ được cháu của bạn thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 677 Bộ luật dân sự:
“Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Do đó, chị dâu bạn cũng không được hưởng phần di sản của mẹ bạn.
Trên đây là phần tư vấn của Luật Tiền Phong về vấn đề bạn hỏi. Nếu còn thắc mắc bạn vui lòng gọi đến tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6289 của chúng tôi để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Luật sư Khúc Thị Quyên là Luật sư cao cấp của LTP, có điểm thi kết quả tập sự nghề Luật sư đứng thứ 2 toàn quốc. LS Quyên được đánh giá cao ở sự thông minh, nhiệt tình và trách nhiệm.