Tình huống thực tế về luật lao động

TÌNH HUỐNG LUẬT LAO ĐỘNG 1:

Luật Tiền Phong cho em tham khảo 1 chút với: Có 1 bạn nữ con dưới 1 tuổi có HĐLĐ không xác định thời hạn. GIờ vị trí của bạn không có việc nữa. Nếu sắp xếp việc khác mà bạn không đồng ý thì công ty phải chấm dứt HĐ với bạn thì phải thỏa thuận với bạn trước 45 ngày, đồng thời trả cho bạn trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc phải không ạ?

LUẬT TIỀN PHONG TRẢ LỜI:

1. Về việc chấm dứt hợp đồng lao động do điều chuyển công việc.

a) Quyền chấm dứt HĐLĐ của người lao động:

Người sử dụng lao động chỉ được phép điều chuyển công việc khác đối với người lao động khi có các căn cứ quy định trong khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động.

Người sử dụng lao động chỉ được phép điều chuyển người lao động; khi thuộc một trong các trường hợp với quy định như trên nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.

Do vậy, trong trường hợp người lao động không đồng ý với quyết định điều chuyển của công ty, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tại khoản 2 điều 35 bộ luật lao động 2019, quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động; trong trường hợp bị điều chuyển công việc khác như sau:

“2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này”.

b) Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động:

Trong tình huống này, người lao động là người có con dưới 12 tháng tuổi. Theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Do vậy, trong tình huống này, căn cứ Điều 34 Luật lao động, hợp đồng lao động chỉ có thể bị chấm dứt nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hai bên có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Quyền lợi của người lao động nghỉ việc do bị điều chuyển công việc khác so với hợp đồng lao động

Trong tình huống này, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật với lý do bị điều chuyển công việc khác không đúng với hợp động lao động, do vậy, các quyền lợi của người lao động có thể được nhận khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; theo đúng quy định của pháp luật bao gồm:

  • Nhận trợ cấp thôi việc (Căn cứ điều 46 BLLĐ)
  • Trợ cấp thất nghiệp (Căn cứ điều 47 BLLĐ)
  • Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác (Căn cứ Điều 48 BLLĐ);
  • Thanh toán các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của mình trong vòng 14 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ (Căn cứ Điều 48 BLLĐ).

TÌNH HUỐNG LUẬT LAO ĐỘNG 2:

Xin chào luật sư, hôm trước em có hỏi về người lao động thì bạn nhân viên này làm việc từ tháng 11/2019. Bạn thử việc trong 2 tháng và từ đó đến nay có nghỉ thai sản 183 ngày. Vậy giờ nếu công ty phải chấm dứt HĐ với bạn thì phải thỏa thuận với bạn trước 45 ngày, đồng thời trả cho bạn trợ cấp thôi việc (0,5 tháng lương) và trợ cấp mất việc (2 tháng lương) phải không ạ?

LUẬT TIỀN PHONG TRẢ LỜI:

Căn cứ Điều 36 Bộ luật Lao động về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động và Điều 139 Bộ luật Lao động về nghỉ thai sản thì bạn nhân viên đã nghỉ thai sản theo đúng quy định của pháp luật, và công ty không có căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Hơn nữa, tại khoản 3 điều 39, khoản 2 điều 117 Bộ luật lao động (BLLĐ) quy định:

“Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động”, và

“người lao động nữ vẫn được bảo đảm chỗ làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo chế độ và cả trong trường hợp được phép nghỉ thêm không hưởng lương”.

Với quy định trên, nếu công ty muốn chấm dứt hợp đồng lao động với bạn nhân viên thì người lao động phải đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hai bên có thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng lao động.

Nếu công ty vẫn tiếp tục đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên thì theo qui định tại điều 41 BLLĐ, người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng đã ký và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày người lao động không được làm việc, cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).

Nếu hai bên đã thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, công ty cần:

  • Hoàn thành thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác (Căn cứ Điều 48 BLLĐ);
  • Thanh toán các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động trong vòng 14 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ (Căn cứ Điều 48 BLLĐ).

Ngoài ra, công ty không cần chi trả trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm cho người lao động do bạn nhân viên này chưa làm việc thường xuyên cho công ty trong thời gian 12 tháng trở lên (Căn cứ Điều 46, 47 BLLĐ)

Trên đây là những chia sẻ Luật Tiền Phong về các câu hỏi của khách hàng liên quan đến luật lao động. Nếu các bạn có những câu hỏi khác cần tư vấn, vui lòng liên hệ đến Công ty Luật TNHH Tiền Phong qua hotline để được hỗ trợ.

==========================

Công ty Luật TNHH Tiền Phong

Điện thoại tư vấn: 091.6162.618 và 097.8972.587

Email: Contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.