(Luật Tiền Phong) – Hiện nay, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại các phòng khám chuyên khoa, đa khoa ngày càng cao nên số lượng các phòng khám tư nhân ra đời ngày càng tạo nên sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực này. Vì vậy, các phòng khám cần đến hình thức quảng cáo để thu hút khách hàng, tuy nhiên, để quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh một cách hợp pháp thì cần phải xin giấy phép quảng cáo tại cơ quan có thẩm quyền.
Bài viết dưới đây sẽ giúp các Quý Khách hàng nắm được hồ sơ, thủ tục để xin cấp giấy phép quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh cho các phòng khám tư nhân một cách cụ thể và chính xác nhất.
1. Căn cứ pháp lý
– Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009
– Luật quảng cáo số 16/2012/QH13 ngày 01 tháng 01 năm 2012;
– Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo;
– Thông tư 09/2015/TT-BYT ngày 25 tháng 05 năm 2015 của Bộ Y Tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y Tế.
2. Khái niệm Giấy phép quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh của phòng khám
Giấy phép quảng cáo phòng khám chữa bệnh là giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho phòng khám được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận trên cơ sở phòng khám chữa bệnh nộp hồ sơ xin xác nhận nội dung quảng cáo tới cơ quan cấp phép.
3. Các điều kiện để cấp Giấy phép quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh
– Nội dung quảng cáo phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo, không có hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 của Luật quảng cáo.
– Tiếng nói, chữ viết, hình ảnh trong quảng cáo phải bảo đảm ngắn gọn, thông dụng, đúng quy định tại Điều 18 của Luật quảng cáo. Cỡ chữ nhỏ nhất trong nội dung quảng cáo phải bảo đảm tỷ lệ đủ lớn để có thể đọc được trong điều kiện bình thường và không được nhỏ hơn tỷ lệ tương đương cỡ chữ Vntime hoặc Times New Roman 12 trên khổ giấy A4.
– Phải đủ điều kiện quảng cáo quy định, cụ thể như sau:
+ Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề mà pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh quy định bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề.
– Nội dung quảng cáo phải đúng theo quy định sau:
+ Nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải phù hợp với Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
+ Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có các nội dung sau đây:
-> Tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi được cấp phép hoạt động;
-> Phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật chính ghi trong Giấy phép hoạt động hoặc Chứng chỉ hành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền về y tế cấp phép.
– Đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo là đơn vị đứng tên trên giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đơn vị có tư cách pháp nhân được đơn vị đứng tên trên giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền bằng văn bản.
4. Hồ sơ xin cấp Giấy phép quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh
– Văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo theo mẫu;
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài;
– Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo:
+ Nếu quảng cáo trên báo nói, báo hình thì phải có 01 bản ghi nội dung quảng cáo dự kiến trong đĩa hình, đĩa âm thanh, file mềm kèm theo 03 bản kịch bản dự kiến quảng cáo, trong đó miêu tả rõ nội dung, phương tiện dự kiến quảng cáo, phần hình ảnh (đối với báo hình), phần lời, phần nhạc;
+ Nếu quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo không phải báo nói, báo hình thì phải có 03 bản ma-két nội dung dự kiến quảng cáo in mầu kèm theo file mềm ghi nội dung dự kiến quảng cáo;
+ Nếu quảng cáo thông qua hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện: Ngoài các tài liệu quy định tại điểm này phải có các tài liệu: mẫu quảng cáo sử dụng trong chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt còn hiệu lực (trong trường hợp mẫu quảng cáo đã được duyệt nội dung), chương trình có ghi rõ tên nội dung báo cáo, thời gian (ngày/tháng/năm), địa điểm tổ chức (địa chỉ cụ thể); nội dung bài báo cáo và tài liệu trình bày, phát cho người dự; bảng kê tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn của báo cáo viên (Báo cáo viên phải có bằng cấp chuyên môn về y phù hợp).
– Mẫu nhãn sản phẩm hoặc mẫu nhãn sản phẩm đã được cơ quan y tế có thẩm quyền chấp thuận trong trường hợp pháp luật quy định nhãn sản phẩm phải được cơ quan y tế có thẩm quyền duyệt.
– Các yêu cầu khác đối với hồ sơ:
+ Trường hợp đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo là đơn vị được ủy quyền thì phải có các giấy tờ sau đây:
-> Văn bản ủy quyền hợp lệ;
-> Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài của đơn vị được ủy quyền.
+ Tài liệu tham khảo, chứng minh, xác thực thông tin trong nội dung quảng cáo:
-> Các tài liệu bằng tiếng Anh phải dịch ra tiếng Việt kèm theo tài liệu gốc bằng tiếng Anh. Bản dịch tiếng Việt phải được đóng dấu xác nhận của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;
-> Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài không phải là tiếng Anh phải dịch ra tiếng Việt và kèm theo tài liệu gốc bằng tiếng nước ngoài. Bản dịch tiếng Việt phải được công chứng theo quy định của pháp luật.
+ Các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo phải còn hiệu lực, là bản sao chứng thực hoặc bản sao có đóng dấu của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo. Các tài liệu trong hồ sơ phải có dấu, dấu giáp lai của đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo;
+ Mẫu nội dung quảng cáo được trình bày trên khổ giấy A4. Mẫu hình thức quảng cáo ngoài trời khổ lớn có thể trình bày trên khổ giấy A3 hoặc khổ giấy khác và ghi rõ tỷ lệ kích thước so với kích thước thật.
– Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quảng cáo do Giám đốc Sở Y tế cấp và danh mục kỹ thuật chuyên môn đã được Giám đốc Sở Y tế phê duyệt.
– Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quảng cáo trong trường.
5. Trình tự thực hiện xin cấp Giấy phép quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh
Bước 1: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin giấy phép quảng cáo phòng khám chữa bệnh sở y tế.
Bước 2: Sở y tế tiếp nhận hồ sơ và gửi phiếu tiếp nhận cho cá nhân, tổ chức xin giấy phép.
Bước 3: Trong thời gian là 10 ngày kể từ ngày có hồ sơ hợp lệ, Sở y tế xem xét thẩm định hồ sơ.
– Nếu hồ sơ không hợp lệ thì sẽ có thông báo bằng văn bản cho cơ sở xin cấp phép sửa đổi, bổ sung. Thời gian giải quyết thủ tục sẽ tính từ ngày hồ sơ hợp lệ.
– Nếu hồ sơ hợp lệ, Sở y tế cấp giấy tiếp nhận nội dung quảng cáo.
– Sở không cấp giấy phép thì phải có văn bản trả lời và có lý do.
Bước 4: Cá nhân, Tổ chức nhận kết quả. Đơn vị đăng ký quảng cáo được quyền quảng cáo theo nội dung đã đăng ký sau 10 ngày làm việc.
Trên đây là bài chia sẻ về Thủ tục xin cấp Giấy phép quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh của Luật Tiền Phong. Nếu có bất cứ câu hỏi nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn.
Ngoài ra, Quý khách hàng có thể tham khảo thêm các thông tin khác về quảng cáo tại bài viết: Đăng ký nội dung quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
==================================================
BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – LUẬT TIỀN PHONG
Hotline: 091 6162 618 & 097 8972 587
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội