(Luật Tiền Phong) – Không những là xu thế mới của giới trẻ, trong thời đại công nghệ 4.0 hầu hết mọi người để tiết kiệm thời gian và chi phí mua báo đọc truyền thống đã tìm đến các kênh thông tin của báo chí điện tử. Với sự tiện dụng và hữu ích của mình nhiều đơn vị có nhu cầu xin cấp Giấy phép hoạt động báo chí điện tử. Vậy điều kiện, thủ tục xin giấy phép như thế nào? Dưới đây sẽ là giải đáp các vướng mắc trên.
1. Tạp chí điện tử, tạp chí khoa học là gì?
Tạp chí điện tử là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng.
Tạp chí khoa học là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ để công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành.
2. Đối tượng được được thành lập cơ quan báo chí
– Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
– Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.
3. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí
– Xác định loại hình báo chí; tôn chỉ, Mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; đối tượng phục vụ; chương trình, thời gian, thời lượng, phương thức truyền dẫn, phát sóng (đối với báo nói, báo hình); tên miền, nơi đặt máy chủ và đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối (đối với báo điện tử).
– Có phương án về tổ chức và nhân sự bảo đảm hoạt động của cơ quan báo chí; có người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 của Luật báo chí 2016 để đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí.
– Có tên và hình thức trình bày tên cơ quan báo chí; tên và hình thức trình bày tên ấn phẩm báo chí; tên và biểu tượng kênh phát thanh, kênh truyền hình; tên và hình thức trình bày tên chuyên trang của báo điện tử.
– Có trụ sở và các Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; phương án tài chính; có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đối với báo điện tử phải có ít nhất một tên miền “.vn” đã đăng ký phù hợp với tên báo chí và sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam; đối với báo nói, báo hình phải có phương án, kế hoạch thuê hoặc sử dụng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng.
– Phù hợp với quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Người đứng đầu cơ quan báo chí
– Người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng biên tập (đối với báo in, báo điện tử), là Tổng giám đốc hoặc giám đốc (đối với báo nói, báo hình).
– Tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí gồm:
+ Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;
+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo không áp dụng tiêu chuẩn này;
+ Có thẻ nhà báo còn hiệu lực. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo, tạp chí khoa học không áp dụng tiêu chuẩn này;
+ Có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động.
4. Thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo chí
Đối với các tổ chức đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí có thể xin cấp giấy phép hoạt động theo quy trình sau:
Đối với hoạt động báo in (gồm báo in, tạp chí in)
Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính một bộ hồ sơ về bộ Thông tin và Truyền thông.
Hồ sơ gồm có:
– Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in (Mẫu số 01 kèm theo thông tư 41/2020/TT-BTTTT)
– Đề án hoạt động báo in (có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép) và các tài liệu kèm theo, gồm các nội dung sau: Sự cần thiết và cơ sở pháp lý; trình bày việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 17 Luật Báo chí; kết cấu và nội dung chính, của ấn phẩm; quy trình xuất bản và quản lý nội dung Danh sách sự kiến nhân sự của báo in (Mẫu số 03 kèm theo thông tư 41/2020/TT-BTTTT)
– Sơ yếu lý lịch người dự kiến là tổng biên tập (Mẫu số 04 kèm theo thông tư 41/2020/TT-BTTTT)
– Mẫu trình bày tên gọi của ấn phẩm báo chí có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in.
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo in; trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Đối với hoạt động báo điện tử (gồm báo điện tử, tạp chí điện tử)
Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính một bộ hồ sơ về Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hồ sơ gồm có:
– Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử (Mẫu số 06 kèm theo thông tư 41/2020/TT-BTTTT)
– Đề án hoạt động báo điện tử (có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép) và các tài liệu kèm theo, gồm các nội dung sau: Sự cần thiết và cơ sở pháp lý; trình bày việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 17 Luật Báo chí; kết cấu và nội dung chính các chuyên trang, chuyên mục của báo điện tử, các chuyên mục của chuyên trang; tên miền phù hợp với tên báo điện tử; việc sở hữu tên miền còn thời gian sử dụng tối thiểu 06 tháng tính từ thời điểm đề nghị cấp giấy phép; quy trình xuất bản và quản lý nội dung
– Danh sách dự kiến nhân sự của báo điện tử (Mẫu số 03 kèm theo thông tư 41/2020/TT-BTTTT)
– Sơ yếu lý lịch người dự kiến là Tổng biên tập (Mẫu số 04 kèm theo thông tư 41/2020/TT-BTTTT)
– Mẫu trình bày giao diện trang chủ của báo điện tử phải hiển thị các thông tin theo quy định tại Điều 46 Luật Báo chí, có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
– Mẫu trình bày giao diện trang chủ của chuyên trang có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép. Trang chủ của chuyên trang phải hiển thị các thông tin theo quy định tại Điều 46 Luật Báo chí, trong đó: Tên gọi chuyên trang thể hiện rõ cụm từ “chuyên trang” có cỡ chữ tối thiểu bằng 1/2 cỡ chữ của tên chuyên trang và tên gọi báo điện tử có cỡ chữ tối thiểu bằng 1/2 cỡ chữ của tên chuyên trang.
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo điện tử; trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là những tư vấn của Luật Tiền Phong. Nếu còn băn khoăn, thắc mắc bạn vui lòng liên hệ hotline: 0916 162 618/ 0976 714 386 để được các Luật sư giải đáp.
============================
CÔNG TY LUẬT TNHH TIỀN PHONG
Hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội