(Luật Tiền Phong) – Điều kiện mở phòng khám sản phụ khoa theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2024, được chúng tôi tổng hợp từ cả quy định của luật và thực tế xử lý hồ sơ, mời bạn đọc quan tâm theo dõi bài viết dưới đây.
Khách hàng hỏi tình huống cụ thể:
“Thưa luật sư, Chị tư vấn giúp em về việc chịu trách nhiệm chuyên môn cho phòng khám chuyên khoa sản.
Em bắt đầu công tác trong chuyên ngành sản từ 2/2018 đến 01/2022 và em có chứng chỉ hành nghề. Từ 10/2022 đến 10/2024 em học bs CK1. Vậy chứng chỉ hành nghề của em đủ điền kiện đứng tên phòng khám chuyên khoa sản không chị?
Chị tư vấn giúp em với, em cảm ơn chị“.

Ý kiến tư vấn:
Điều kiện về Giấy phép hành nghề của người đứng đầu phòng khám chuyên khoa:
Về điều kiện của người đứng đầu phòng khám chuyên khoa nói chung, phòng khám chuyên khoa sản nói riêng, được quy định tại Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ theo đó: người chịu trách nhiệm chuyên môn kĩ thuật phải là người hành nghề toàn thời gian của phòng khám và có phạm vi hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám. Thời gian hành nghề có phạm vi tối thiểu 36 tháng kể từ thời điểm cấp giấy phép hành nghề.
Việc học chuyên khoa sản sau đại học, nếu chương trình đào tạo bao gồm thời gian thực hành lâm sàng theo quy định tại điều 23 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì thời gian này có thể được tính vào thời gian thực hành cần thiết để xin giấy phép phòng khám. Tuy nhiên nguyên tắc thực hành khám bệnh, chữa bệnh được quy định gồm có: thực hành và nội dung thực hành phải phù hợp với văn bằng chuyên môn đã được cấp, việc thực hành phải được thực hiện tại cơ sở khám chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành.
Tài liệu thực hành cần có: văn bản phân công người hướng dẫn thực hành, hợp đồng thực hành. Cơ sở thực hành phải đăng ký người thực hành tại cơ sở lên hệ thống thông tin quản lý về hoạt động khám chữa bệnh hoặc báo cáo lên Sở Y tế. Kết thúc quá trình thực hành phải cấp giấy xác nhận thực hành trong việc thực hành theo đúng nội dung thực tế đã thực hành.

Các điều kiện khác cần đáp ứng khi xin giấy phép phòng khám chuyên khoa sản:
Theo Điều 40, 43 Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh, phòng khám phải có cơ sở vật chất, nhân sự, các điều kiện về cấp cứu, điều kiện về an toàn công trình phòng khám, cụ thể như sau:
Điều kiện về cơ sở vật chất:
- Phòng khám chuyên khoa cần có nơi đón tiếp người bệnh, phòng khám bệnh diện tích tối thiểu 10m2. Nếu thực hiện các kĩ thuật, thủ thuật thì phải có thêm phòng để thực hiện kĩ thuật, thủ thuật với diện tích tối thiểu 10m2.
- Phòng khám phải có khu vực tiệt khuẩn để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại. Nếu không thì phải có hợp đồng với cơ sở khám chữa bệnh khác để tiệt khuẩn dụng cụ y tế.
- Phòng khám phải có hộp cấp cứu phản vệ và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa phù hợp với hoạt động chuyên môn của phòng khám.
Điều kiện mặt bằng, công trình phòng khám:
- Khi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép, phòng khám cần phải nộp tài liệu chứng minh về mặt bằng gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản sao công chứng, hợp đồng thuê mặt bằng, giấy xác nhận về an toàn phòng cháy chữa cháy.
- Mặt bằng cần phải được thiết kế, bố trí phù hợp với nội dung hoạt động của phòng khám. Công ty Luật Tiền Phong sẽ tư vấn cụ thể các các bạn khi hướng dẫn hồ sơ và thẩm định thực tế phòng khám.
Điều kiện về nhân sự:
- Phòng khám phải có đủ người hành nghề theo quy mô, danh mục kĩ thuật đăng ký.
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kĩ thuật phải là người hành nghề toàn thời gian, có giấy xác nhận thời gian thực hành phải có giấy phép hành nghề với thời gian tối thiểu 36 tháng kể từ ngày được cấp.
- Với các nhân sự khác thì phải có hợp đồng lao động, bằng cấp, chứng chỉ liên quan phù hợp với công việc được phân công tại phòng khám.
- Đối với kĩ thuật y hành nghề xét nghiệm y học: nếu có bằng đại học thì được đọc và ký kết quả xét nghiệm. Nếu không có bằng đại học thì bác sĩ chỉ định xét nghiệm sẽ là người đọc và ký kết quả xét nghiệm.
- Những người sau đây tham gia vào quá trình khám bệnh chữa bệnh của phòng khám nhưng không cần phải cấp giấy phép hành nghề bao gồm: kỹ sư vật lý y học, kĩ sư xạ trị, kỹ sư công nghệ sinh học, cử nhân công nghệ sinh học và những nhân viên khác làm công tác hành chính, kế toán.
Để được biết thêm chi tiết về hồ sơ cần chuẩn bị khi xin giấy phép phòng khám chuyên khoa, trình tự thủ tục giải quyết cấp giấy phép phòng khám chuyên khoa, mời các bạn tham khảo các bài viết liên quan:
>>> Thủ tục xin cấp phép phòng khám liên chuyên khoa mới nhất 2024
>>> Quy định về đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh 2024
>>> So sánh quy định mới nhất về thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Trên đây là bài viết chia sẻ một tình huống cụ thể bạn đọc hỏi về điều kiện xin giấy phép hoạt động của phòng khám chuyên khoa sản. Công ty Luật Tiền Phong luôn lắng nghe ý kiến Quý khách hàng, cũng như sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết của chúng tôi về lĩnh vực này để cùng phát triển.
Trân trọng.
————————-
CÔNG TY LUẬT TIỀN PHONG.
Hotline: 091 616 2618/ 097 8972 587
Email: contact@luattienphong.vn.
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.