(Luật Tiền Phong) – Nước là một Tài nguyên rất quan trọng mà bất kỳ một tổ chức cá nhân nào muốn thực hiện hoạt động khai thác đều phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bài viết sau đây của chúng tôi hướng dẫn các bạn quy định của pháp luật về thủ tục khai thác nước dưới đất mời các bạn tham khảo.
1. Các khu vực phải đăng ký khai thác nước
Không phải khu vực nào nhà nước cũng cho phép khai thác nước tự do, có một số khu vực có đặc điểm địa lý ảnh hưởng trực tiếp tới lưu lượng nước thì cơ quan nhà nước bắt buộc phải đăng ký, những khu vực đó là:
– Khu vực có mực nước dưới đất đã bị thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm ba (03) năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép;
– Khu vực bị sụt lún đất, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu;
– Khu vực bị xâm nhập mặn do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đồng bằng, ven biển có các tầng chứa nước mặn, nước nhạt nằm đan xen với nhau hoặc khu vực liền kề với các vùng mà nước dưới đất bị mặn, lợ;
– Khu vực đã bị ô nhiễm hoặc gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực nằm trong phạm vi khoảng cách nhỏ hơn một (01) km tới các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác;
– Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng.
2. Điều kiện cấp phép khai thác nước dưới đất
Để được cấp giấy phép hoạt động khai thác nước dưới đất các bạn cần phải đáp ứng các điều kiện cụ thể sau đây:
Một là: Đã thực hiện việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Nghị định này.
Hai là: Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.
Phương án, biện pháp xử lý nước thải thể hiện trong đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước phải bảo đảm nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước.
3. Về thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động khai thác nước dưới đất
Các bạn cần chuẩn bị 2 bộ hồ sơ bao gồm các loại tài liệu sau đây:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép;
- Sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất;
- Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất kèm theo phương án khai thác đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên hoặc báo cáo kết quả thi công giếng khai thác đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm trong trường hợp chưa có công trình khai thác; báo cáo hiện trạng khai thác đối với trường hợp công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động;
- Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá sáu (06) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
Trường hợp chưa có công trình khai thác nước dưới đất, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải nộp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
4. Trình tự thủ tục xin giấy phép hoạt động khai thác nước dưới đất
Các bạn nộp 2 bộ hồ sơ trên tại văn phòng của Bộ Tài nguyên môi trường và nộp phí thẩm định trước khi hồ sơ được thụ lý. Biên lai nộp phí phải được nộp cùng hồ sơ để cơ quan thụ lý xem xét.
Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo để các bạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.
Bài sau chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn về thủ tục thẩm định đề án khai thác nước các bạn chú ý đón xem nhé.
>>> Tư vấn thẩm định đề án báo cáo thăm dò, khai thác sử dụng nước
==================
BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – LUẬT TIỀN PHONG
Hotline: 091 616 2618/0976 714 386
Hotmail: contact@luattiephong.vn
Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng, số 200, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.
Luật sư Khúc Thị Quyên là Luật sư cao cấp của LTP, có điểm thi kết quả tập sự nghề Luật sư đứng thứ 2 toàn quốc. LS Quyên được đánh giá cao ở sự thông minh, nhiệt tình và trách nhiệm.