KHÁCH HÀNG HỎI:
Tôi và vợ đám cưới năm 2012, nhưng không làm giấy đăng ký kết hôn. Sau đó, chúng tôi có 1 cháu trai, đã làm giấy khai sinh cho con theo họ cha. Năm 2013 thì vợ chồng tôi ly thân, đến nay đã 2 năm. Tôi cũng tới nơi khác sinh sống nhưng hàng tháng vẫn về thăm con và chu cấp đầy đủ. Hiện tại, vợ tôi đưa đơn ly hôn ra Tòa xử vụ án “Ly hôn” và tôi mới nhận được giấy triệu tập. Vậy xin hỏi, chúng tôi không có giấy đăng ký kết hôn thì Tòa sẽ xử như thế nào? Và còn phát sinh những vấn đề gì nữa không? Chân thành cảm ơn các Luật sư tư vấn cho tôi.
LUẬT TIỀN PHONG TRẢ LỜI:
1. Không công nhận quan hệ hôn nhân
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình:
“Điều 9. Đăng ký kết hôn
- Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
- Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn”.
Như vậy giữa hai người chưa xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp. Tòa án triệu tập anh để xử vụ án ly hôn sẽ không công nhận quan hệ vợ chồng của anh chị.
2. Giải quyết quyền nuôi con và tài sản chung
Về tài sản Luật hôn nhân quy định : “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Về quyền nuôi con: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Trong trường hợp Toàn án quyết định anh là người trực tiếp nuôi con thì chị vợ có nghĩa vụ cấp dưỡng. Còn nếu Tòa tuyên vợ anh là người trực tiếp nuôi con thì anh có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đến khi con anh đủ 18 tuổi. Cụ thể Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình quy định quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con như sau:
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Trên đây là tư vấn của Luật Tiền Phong. Quý khách hàng khi có thắc mắc về các quy định của pháp luật vui lòng liên hệ 1900 6289 để được tư vấn pháp luật miễn phí.
Chuyên viên Phòng Giấy phép con, có 03 năm kinh nghiệm, được khách hàng đánh giá là cẩn thận, chuẩn mực và tận tâm.