Cá nhân có thể bảo vệ quyền dân sự của mình bằng cách nào?
Luật Tiền Phong – Quyền dân sự là khả năng được phép xử sự theo một cách nhất định của chủ thể trong quan hệ dân sự để thực hiện, bảo vệ lợi ích của mình. Vậy khi quyền dân sự bị xâm hại thì cá nhân có thể tự bảo vệ hay yêu cầu cơ quan nào khác bảo vệ hay không, và bằng phương thức nào?
Theo quy định tại Điều 11 Bộ Luật Dân sự 2015 xác định rằng khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể quyền có thể thực hiện biện pháp tự bảo vệ theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ như sau:
(1) Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền dân sự của mình:
Quyền dân sự là quyền của cá nhân. Theo đó, nếu cá nhân/pháp nhân nhận thấy có dấu hiệu vi phạm đến quyền dân sự của mình thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tôn trọng và thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền dân sự của mình một cách hợp pháp nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của mình.
(2) Buộc chấm dứt hành vi vi phạm:
Nếu như ở phương thức số (1) cá nhân/pháp nhân bằng quyền của mình yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của mình thì phương thức thứ (2) này cá nhân/pháp nhân bằng tư cách của chính mình yêu cầu bên có hành vi vi phạm buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến chính mình. Có thể thấy, đây là biện pháp đầu tiên mà hầu hết các chủ thể bị xâm phạm quyền đều áp dụng trước khi sử dụng đến các biện pháp khác.
(3) Buộc xin lỗi, cải chính công khai:
Là việc cá nhân, pháp nhân yêu cầu các chủ thể có hành vi vi phạm thực phải xin lỗi, cải chính công khai trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đính chính lại những thông tin sai lệch, khôi phục và đảm bảo được phần nào danh dự, uy tín cho chủ thể bị xâm phạm khi cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm.
(4) Buộc thực hiện các nghĩa vụ:
Là việc các chủ thể có quyền yêu cầu bên chủ thể có nghĩa vụ phải thực hiện đúng theo những nghĩa vụ mà hai bên đã giao kết, xác lập quan hệ theo như hợp đồng hay biên bản thỏa thuận giữa các bên
(5) Buộc bồi thường thiệt hại:
Nếu bên xâm phạm nghĩa vụ gây ra thiệt hại cho cá nhân/pháp nhân thì bên bị xâm phạm có thể yêu cầu buộc bồi thường thiệt hại. Hai bên sẽ căn cứ vào những thiệt hại thực tế xảy ra để yêu cầu bồi thường một cách hợp pháp và hợp lý.
(6) Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền:
Việc hủy quyết định của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền phải do một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện, chứ không phải bất cứ bản thân cá nhân/pháp nhân có thể hủy được. Do vậy, cá nhân/pháp nhân bị xâm phạm về quyền có thể yêu cầu đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hủy quyết định trái pháp luật này. Trước khi hủy quyết định cá biệt đó, các chủ thể phải tiến hành xem xét, phân tích để xác định được chỗ nào sai, sai như thế nào và cần sửa lại sao cho đúng với quy đinh của pháp luật.
(7) Các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài những cách thức như trên, cá nhân/pháp nhân bị xâm phạm quyền có thể đề đạt các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.
Cá nhân có quyền tự mình hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, việc tự bảo vệ quyền dân sự phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự để đảm bảo cho tính hợp pháp cũng như quyền lợi của các bên trong quan hệ.
Trên đây là những phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định mới của Pháp luật dân sự. Có không ít các phương thức để bảo vệ khác nhau nhưng để đảm bảo mang lại hiệu quả tối ưu nhất, các chủ thể nên căn cứ vào tình hình thực tiễn của mình để từ đó lựa chọn và áp dụng phương thức cho phù hợp.
Luật Tiền Phong
Tận tâm – Chuyên nghiệp
Luôn đồng hành cùng bạn trên mọi nẻo đường pháp lý khi bạn cần!
Luật sư Khúc Thị Quyên là Luật sư cao cấp của LTP, có điểm thi kết quả tập sự nghề Luật sư đứng thứ 2 toàn quốc. LS Quyên được đánh giá cao ở sự thông minh, nhiệt tình và trách nhiệm.