(Luật Tiền Phong) – giáo trình đào tạo nghề sơ cấp, đất ứng tiêu chí nào? Quy định tại đâu? Có phải thẩm định không? Đói là rất nhiều câu hỏi mà chúng tôi nhận được khi tư vấn xin giấy phép đào tạo nghề sơ cấp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, vui lòng tìm hiểu bài viết dưới đây của chúng tôi.

Câu hỏi:
Xin chào Luật Tiền Phong,
Hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp và đào tạo trình độ sơ cấp. Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi còn một số vướng mắc liên quan đến vấn đề giáo trình đào tạo. Cụ thể, chúng tôi chưa rõ quy định pháp luật về việc lựa chọn giáo trình cho chương trình đào tạo sơ cấp. Doanh nghiệp có được phép tự do quyết định giáo trình giảng dạy, hay cần tuân thủ các tiêu chí, quy định cụ thể nào của pháp luật? Rất mong Luật sư tư vấn, hướng dẫn để chúng tôi có thể hoàn thiện hồ sơ và thực hiện đúng quy định? Rất mong nhận được sự hỗ trợ từ Luật sư! |
Tư vấn của Luật Tiền Phong:
Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đến Luật Tiền Phong. Dựa trên các quy định của pháp luật, chúng tôi xin cung cấp thông tin chi tiết như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
- Luật giáo dục nghề nghiệp 2014;
- Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo trình độ sơ cấp;
- Thông tư 34/2018/TT_BLĐTBXH sửa đổi thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo trình độ sơ cấp;
- Văn bản hợp nhất số 5830/VBHN-BLĐTBXH 2019 quy định về đào tạo trình độ sơ cấp.
2. Giáo trình đào tạo sơ cấp có những yêu cầu gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Văn bản hợp nhất số 5830/VBHN-BLĐTBXH, giáo trình đào tạo sơ cấp cần phải đáp ứng những tiêu chí:
- Tuân thủ mục tiêu và nội dung của các mô – đun, tín chỉ trong chương trình đào tạo;
- Bảo đảm tính chính xác, tính hệ thống, tính sư phạm; bảo đảm sự cân đối, phù hợp giữa kênh chữ và kênh hình;
- Nội dung kiến thức, kỹ năng phải đảm bảo mục tiêu của tiêu đề, tiểu tiêu đề/mục, tiểu mục trong bài/chương của mô – đun, tín chỉ;
- Mỗi bài, chương của giáo trình phải có câu hỏi, bài tập; từng giáo trình phải có danh mục tài liệu tham khảo; tài liệu tham khảo phải có độ tin cậy và nguồn gốc rõ ràng;
- Trình bày ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu; sử dụng thuật ngữ nghề nghiệp phổ biến, nhất quán; các hình vẽ, bản vẽ minh họa phải làm sáng tỏ các kiến thức, kỹ năng;
- Đảm bảo phù hợp với các trang thiết bị, nguồn học liệu và phương tiện dạy học khác.
Việc đảm bảo các tiêu chí trên có ý nghĩa then chốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề trình độ sơ cấp. Giáo trình đạt chuẩn sẽ giúp người học tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp. Ngược lại, giáo trình sơ sài, thiếu khoa học sẽ gây khó khăn cho người học, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và uy tín của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo quy định tại Điều 13 Văn bản hợp nhất số 5830/VBHN-BLĐTBXH, các cơ sở giáo dục đào tạo nghề không bắt buộc phải tự biên soạn giáo trình. Như vậy, doanh nghiệp của anh hoàn toàn có thể sử dụng giáo trình có sẵn của các đơn vị khác, ví dụ như giáo trình do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, giáo trình của các trường cao đẳng, trung cấp nghề… Tuy nhiên, điều quan trọng là phải lựa chọn giáo trình phù hợp với ngành nghề đào tạo, đối tượng người học và điều kiện thực tế của trung tâm. Trước khi đưa vào sử dụng, cần kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo giáo trình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định.
3. Nội dung, cấu trúc của giáo trình đào tạo sơ cấp:
Một giáo trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoàn chỉnh không chỉ đơn thuần là tập hợp kiến thức, kỹ năng mà còn cần tuân thủ một cấu trúc rõ ràng, logic, đảm bảo tính sư phạm và hiệu quả trong quá trình giảng dạy, học tập. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Văn bản hợp nhất số 5830/VBHN-BLĐTBXH, giáo trình đào tạo cần có những nội dung sau:
- Thông tin chung của giáo trình: Phần này cung cấp những thông tin cơ bản, giúp người học nắm bắt tổng quan về giáo trình, bao gồm tên mô-đun, tín chỉ, tên nghề đào tạo, trình độ đào tạo.:
- Tên mô-đun, tín chỉ: Ghi chính xác tên gọi đầy đủ của mô-đun và tín chỉ theo quy định trong chương trình đào tạo. Ví dụ: Mô-đun “Kỹ thuật pha chế đồ uống”, Tín chỉ “Pha chế cà phê”.
- Tên nghề đào tạo, trình độ đào tạo: Ghi rõ tên nghề và trình độ đào tạo tương ứng với giáo trình. Ví dụ: Nghề “Pha chế”, Trình độ sơ cấp.
- Tuyên bố bản quyền: Phần này thể hiện quyền sở hữu trí tuệ của tác giả hoặc tổ chức biên soạn giáo trình, đồng thời ngăn chặn việc sao chép, sử dụng trái phép.
- Lời giới thiệu: Tóm tắt ngắn gọn nội dung chính, mục tiêu, đối tượng sử dụng và những điểm nổi bật của giáo trình.
- Mục lục: Liệt kê đầy đủ, chi tiết các phần, chương, mục với số trang tương ứng, giúp người học dễ dàng tra cứu, định vị thông tin cần thiết.
- Mã mô-đun, tín chỉ, vị trí, tính chất,…:Phần này giúp người học xác định vị trí của mô-đun, tín chỉ trong toàn bộ chương trình đào tạo, từ đó hiểu rõ tầm quan trọng và mục tiêu cần đạt được. Cụ thể:
- Mã mô-đun, tín chỉ: Ghi rõ mã số của mô-đun, tín chỉ theo quy định, ví dụ: Mã mô-đun 01,…..
- Vị trí, tính chất, ý nghĩa và vai trò: Nêu rõ mô-đun, tín chỉ này nằm ở vị trí nào trong chương trình đào tạo, tính chất của mô-đun, tín chỉ (ví dụ: lý thuyết, thực hành), ý nghĩa và vai trò của chúng trong việc hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học.
- Mục tiêu của giáo trình mô-đun, tín chỉ: Liệt kê cụ thể những kiến thức, kỹ năng mà người học cần đạt được sau khi hoàn thành mô-đun, tín chỉ này. Ví dụ: “Sau khi học xong mô-đun này, học viên có khả năng…”, “Học viên có thể thực hiện được…”..
- Nội dung của giáo trình mô – đun, tín chỉ: Đây là phần cốt lõi, trình bày chi tiết nội dung kiến thức, kỹ năng của mô-đun, tín chỉ, được cấu trúc một cách logic, khoa học.
- Tên bài/chương, mã bài/chương: Mỗi bài học/chương cần có tên gọi và mã số rõ ràng, giúp người học dễ dàng theo dõi và phân biệt.
- Giới thiệu bài/chương, mục tiêu bài/chương: Mỗi bài/chương cần có phần giới thiệu ngắn gọn về nội dung chính và mục tiêu cần đạt được sau khi học xong bài/chương đó.
- Nội dung kiến thức, kỹ năng: Trình bày đầy đủ, chi tiết kiến thức, kỹ năng theo từng tiêu đề, tiểu tiêu đề, mục, tiểu mục.
- Kết hợp lý thuyết với thực hành: Lồng ghép các ví dụ minh họa, tình huống thực tế, hướng dẫn cụ thể quy trình, cách thức thực hiện công việc.
- Hình ảnh trực quan: Sử dụng các bản vẽ, hình vẽ, sơ đồ minh họa để kiến thức trở nên sinh động, dễ hiểu.
- Củng cố kiến thức: Bổ sung các bài tập vận dụng, câu hỏi ôn tập để giúp người học củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng.
- Những điểm cần ghi nhớ: Nêu bật những nội dung quan trọng, những lưu ý đặc biệt cần ghi nhớ trong mỗi bài/chương.
- Yêu cầu về đánh giá kết quả học tập: Phần này quy định rõ các yêu cầu, hình thức đánh giá kết quả học tập của học viên sau mỗi bài học/chương và sau khi hoàn thành mô-đun, tín chỉ.
- Yêu cầu đánh giá: Nêu rõ các tiêu chí đánh giá, mức độ yêu cầu đối với từng nội dung kiến thức, kỹ năng.
- Hình thức đánh giá: Có thể sử dụng đa dạng các hình thức đánh giá như kiểm tra miệng, kiểm tra viết, thực hành, làm bài tập lớn, dự án…
Việc xây dựng giáo trình theo cấu trúc rõ ràng, logic, đáp ứng đầy đủ các nội dung trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giúp người học tiếp thu kiến thức hiệu quả, phát triển kỹ năng nghề nghiệp một cách toàn diện.
4. Lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo:
Như đã tư vấn tại mục 2, các trung tâm đào tạo hoàn toàn có thể lựa chọn giáo trình đào tạo của cơ sở đào tạo khác, điều này được quy đinh cụ thể tại khoản 1 Điều 13 Văn bản hợp nhất số 5830/VBHN-BLĐTBXH. Tuy nhiên, để đưa giáo trình vào giảng dạy, trung tâm của anh cần phải tổ chức thẩm định giáo trình đào tạo, đảm bảo giáo trình đáp ứng đầy đủ tiêu chí và nội dung theo quy định.
Quá trình thẩm định giáo trình đào tạo được quy định tại Điều 12 Văn bản hợp nhất số 5830/VBHN-BLĐTBXH, cụ thể được thực hiện qua 4 bước như sau:
Bước 1: Thành lập Hội đồng thẩm định:
Người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giáo trình. Hội đồng này gồm 5-7 thành viên, là những chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghề nghiệp được thẩm định, phải có trình độ cao đẳng trở lên; có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực của nghề, đảm bảo tính khách quan và chuyên môn cao. Đặc biệt, cần có ít nhất một thành viên đến từ đơn vị sử dụng lao động sau đào tạo để đảm bảo giáo trình đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.
Bước 2: Tổ chức thẩm định:
Hội đồng thẩm định sẽ họp để đánh giá từng giáo trình dựa trên chương trình đào tạo và quy định hiện hành.
- Thảo luận công khai, mỗi thành viên phải phân tích, đánh giá giáo trình và biểu quyết từng nội dung. Các ý kiến được thống nhất đưa vào kết luận khi có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng đồng ý.
- Báo cáo kết quả thẩm định kèm biên bản họp ghi nhận ý kiến từng thành viên, kết quả biểu quyết đối với từng kết luận và có chữ ký của các thành viên. Đâu là căn cứ để người đứng đầu cơ sở đào tạo xem xét, quyết định phê duyệt giáo trình.
- Tổ biên soạn giáo trình có trách nhiệm giải đáp thắc mắc cho Hội đồng thẩm định trong quá trình thẩm định.
- Hội đồng kết luận rõ ràng về việc thông qua giáo trình (có/không cần chỉnh sửa) hoặc không thông qua, nêu rõ lý do.
Bước 3: Báo cáo kết quả thẩm định:
Chủ tịch Hội đồng thẩm định sẽ tổng hợp ý kiến của các thành viên, lập báo cáo kết quả thẩm định và gửi cho người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp.
Bước 4: Ban hành giáo trình:
Căn cứ vào kết quả thẩm định, người đứng đầu cơ sở đào tạo sẽ quyết định phê duyệt và ban hành giáo trình để đưa vào sử dụng.
5. Dịch vụ của Luật Tiền Phong:
Trên đây là bài tư vấn của Luật Tiền Phong về vấn đề: “Giáo trình đào tạo nghề sơ cấp phải đáp ứng tiêu chí nào?”. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích, giúp anh hiểu rõ hơn về quy định pháp luật liên quan đến giáo trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, anh vui lòng liên hệ với Luật Tiền Phong để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Luật Tiền Phong với đội ngũ chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tư vấn và hỗ trợ pháp lý về:
- Xây dựng, đưa ý kiến tư vấn về lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo;
- Xin cấp phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
- Hoàn thiện hồ sơ pháp lý;
- Giải đáp thắc mắc về các quy định pháp luật.
- Đại diện nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền, xử lý các hồ sơ có phải sắp xếp lịch thẩm định, xử lý các vấn đề pháp lý liên quan.
- Nhận kết quả và bàn giao.
Liên hệ ngay với Luật Tiền Phong để được tư vấn và hỗ trợ!
=============================
CÔNG TY LUẬT TNHH TIỀN PHONG
Điện thoại: 091 6162 618/097 8972 587.
Email: Contact@luattienphong.vn.
Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Phường Quang Trung, Quận Hà Đông, Hà Nội
