Người bị tâm thần có được quyền ly hôn không

Luật Tiền Phong – Trong quá trình chung sống khi một bên chẳng may bị tâm thần thì người đó có được quyền ly hôn không? Pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này như thế nào, Luật Tiền Phong xin gửi đến Quý bạn đọc những quy định mới nhất qua tình huống cụ thể sau đây mà khách hàng đã gửi về cho chúng tôi qua tổng đài tư vấn 1900 6289:

Người bị tâm thần có được quyền ly hôn không
Người bị tâm thần có được quyền ly hôn không

KHÁCH HÀNG HỎI:

Em gái tôi trước khi kết hôn là một người bình thường, thế nhưng sau khi kết hôn, do áp lực hôn nhân, chồng thường xuyên rượu chè, gái gú khiến cho em tôi lâm vào trạng thái không được minh mẫn, có dấu hiệu của tâm thần. Chồng nó vì thế càng bỏ bê, không quan tâm, chăm sóc vợ. Nay tôi muốn thay mặt em viết đơn ly hôn với chồng có được không, thưa Luật sư?

LUẬT TIỀN PHONG TRẢ LỜI:

Chào bạn, rất cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong. Đối với trường hợp của em gái bạn như trên, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật dân sự thì: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”. Nếu em gái bạn có những dấu hiệu của bệnh tâm thần mà không thể nhận thức và hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án sẽ tuyên em bạn là người mất năng lực hành vi dân sự, do đó em bạn không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự sẽ do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.

Nhằm cụ thể về trường hợp này, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

  1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
  2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
  3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo như quy định trên thì quyền được yêu cầu ly hôn cho người bị bệnh tâm thần phải thỏa mãn các điều kiện sau:

–     Thứ nhất: Tình trạng người bệnh đến mức không thể làm chủ được hành vi nhận thức của mình và phải phụ thuộc vào người khác. Để chứng minh điều này cần có giấy tờ, bệnh án do cơ sở y tế cung cấp trong đó có kết luận, chuẩn đoán cụ thể về tình trạng bệnh lý của người bệnh.

–      Thứ hai: Người bệnh phải là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ, chồng gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trong đến tính mạng, danh dự và tinh thần sức khỏe của họ. Như vậy người yêu viết đơn ly hôn cho người bị bệnh tâm thần phải chứng minh được người bệnh là nạn nhân của bạo lực gia đình, gây ảnh hưởng hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe tính mạng, tinh thần của người bị bệnh.

–      Thứ ba: Người đứng ra viết đơn ly hôn cho người bị bệnh tâm thần là cha mẹ người thân thích của người bị bệnh. Người thân thích chính là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng huyết thống về trực hệ như: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh họ, chị họ, em họ con chú, bác, cậu, cô, dì, cháu ruột gọi người bệnh là ông, bà.

Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn cho em gái của bạn khi thỏa mãn các điều kiện trên.

Luật Tiền Phong chuyên cung cấp các thông tin pháp luật, tư vấn và hỗ trợ các dịch vụ pháp lý, trong đó có dịch vụ hỗ trợ khách hàng ly hôn khi một trong hai bên vợ hoặc chồng bị tâm thần. Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn miễn phí 1900 6289 để được giải đáp.

Trân trọng!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *