(Luật Tiền Phong) – đăng ký kết hôn là việc trọng đại của đời người. Trước đây con cái thường nghe theo lời khuyên của cha mẹ khi kết hôn. Xã hội phát triển, con người ngày càng chủ động trước cuộc sống, khi các bên nam, nữ có công việc, có các mối quan hệ, có sự chủ động trong cuộc sống thì việc chủ động lựa chọn đối tác, thời điểm kết hôn.
Để các bạn có thêm thông tin, kiến thức pháp luật liên quan đến việc kết hôn, Luật Tiền Phong thân tặng các bạn bài viết về nước điều cần biết trước khi đăng ký kết hôn như sau:
Luật Tiền Phong sẽ thông tin đến các bạn những nội dung sau:
Thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan thẩm quyền là bắt buộc Vợ và chồng có quyền nghĩa vụ như thế nào với nhau? Tài sản của vợ chồng được pháp luật quy định như thế nào? Vợ chồng được quyền thoả thuận chế độ tài sản vợ chồng Mời các bạn theo dõi! |
Độ tuổi kết hôn
Theo Luật Hôn nhân & Gia đình, độ tuổi kết hôn được quy định như sau: Nữ từ đủ 18 tuổi trở lên (bước sang ngày đầu tiên của tuổi 19), nam từ đủ 20 tuổi trở lên (bước sang ngày đầu tiên của tuổi 21) và “3 không” sau thì được phép kết hôn:
- không cùng giới tính,
- không bị mất năng lực hành vi dân sự,
- không thuộc trường hợp cấm kết hôn.
Thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan thẩm quyền là bắt buộc
Việc kết hôn của hai bên nam, nữ phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nếu là công dân Việt Nam thì đăng ký tại UBND cấp xã, phường nơi 1 trong 2 bên cư trú.
Nếu một bên công dân Việt Nam đăng ký với người nước ngoài thì đăng ký tại UBND cấp huyện, quận nơi công dân Việt Nam cư trú.
Nếu đăng ký kết hôn tại nước ngoài thì sau đó muốn được nhà nước Việt Nam công nhận thì phải thực hiện thủ tục đề nghị ghi sổ hộ tịch việc kết hôn tại UBND cấp huyện, quận nơi công dân Việt Nam cư trú khi ở Việt Nam.
Vợ và chồng có quyền nghĩa vụ như thế nào với nhau?
Theo quy định tại Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 thì vợ chồng bình đẳng với nhau về mọi mặt trong cuộc sống hôn nhân và trong các quan hệ pháp luật.
- Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
- Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
- Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
- Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Vợ chồng có quyền đại diện cho nhau trong các quan hệ dân sự (trừ khi pháp luật bắt buộc phải có cả hai người cùng tham gia).
- Vợ, chồng là đại diện cho nhau nếu 1 bên bị mất năng lực hành vi dân sự (nếu bên còn lại đủ điều kiện là người giám hộ
- Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo sự chỉ định của Tòa án.
- Một bên vợ, chồng tham gia các hoạt động kinh doanh thì người trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp cho quyền lợi chung vợ, chồng trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận việc kinh doanh là riêng biệt của một bên (trong trường hợp này, bên trực tiếp kinh doanh có thể sử dụng tài sản riêng để kinh doanh nhưng lợi nhuận thu được lại là tài sản chung vợ chồng nếu các bên không có thoả thuận khác).
- Trong quan hệ sở hữu nhà ở, sử dụng đất thì cả hai bên đều phải/được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà (trừ khi đó là tài sản riêng của một bên).
Tài sản của vợ chồng được pháp luật quy định như thế nào?
Theo quy định tại điều 29 Luật Hôn nhân & Gia đình thì:
– Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
– Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Có nghĩa là nếu một bên lao động có thu nhập và một bên vì lý do nào đó không thể lao động tạo thu nhập thì được quyền yêu cầu bên kia cung cấp tiền bạc, tài chính để chi phí cho cuộc sống sinh hoạt chung gia đình.
– Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
– Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.
– Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng. Quy định này chính là điểm khác cơ bản giữa quan hệ vợ chồng so với quan hệ dân sự khác, có nghĩa rằng, pháp luật đảm bảo về chỗ ở duy nhất cho một trong hai bên vợ chồng. Giả thiết nếu vợ chồng sinh sống trong căn nhà thuộc sở hữu của một bên thì khi bên có tài sản riêng định đoạt nhà ở này thì phải có ý kiến của bên còn lại. Cũng tương tự như vậy, khi ly hôn nếu một bên không có nhà ở thì được quyền lưu cư trong than 06 tháng tại nhà của bên kia để có thời gian thu xếp chỗ ở mới.
Tài sản chung của vợ, chồng
Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng. Trường hợp tài sản mà vợ chồng được thừa kế hoặc tặng cho riêng, hoặc có trước khi đăng ký kết hôn thì là tài sản riêng của vợ chồng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, có nghĩa là không phân biệt theo phần và theo tỷ lệ. Khi vợ chồng ly hôn thì toà án sẽ căn cứ nhiều yếu tố để phân chia tài sản. Các bạn có thể đọc bài viết Nguyên tắc phân chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn để biết thêm chi tiết.
Vợ chồng có nghĩa vụ chứng minh tài sản riêng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Vợ chồng được quyền thoả thuận chế độ tài sản
Đây là điểm mới trong Luật Hôn nhân & Gia đình 2014, theo đó trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân, hai bên vợ chồng được quyền thoả thuận với nhau về chế độ tài sản chung vợ chồng.
Thoả thuận phải bằng văn bản và có nội dung cơ bản sau:
a) Các xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
d) Nội dung khác có liên quan.
Thoả thuận chế độ tài sản vợ chồng phải phù hợp với quy định của Luật Hôn nhân & Gia đình về tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng và chú ý đảm bảo nhu cầu thiết yếu của cuộc sống vợ chồng, đảm bảo quyền lợi của con chưa thành niên. Nếu thoả thuận chế độ tài sản vi phạm quy định của pháp luật thì có thể bị toà án tuyên vô hiệu.
====================
Có thể bạn quan tâm:
>>> Tư vấn thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài theo thủ tục mới nhất
>>> Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn
>>> Đơn xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn
>>> Thủ tục công nhận việc kết hôn ở nước ngoài
>>> Tờ khai ghi chú việc kết hôn
>>>Thủ tục kết hôn tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài
>>> Thủ tục xin cấp trích lục bản án, quyết định ly hôn
==================
BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – LUẬT TIỀN PHONG
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
* Lưu ý: Nội dung bài viết chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự kiện khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Hoặc quy định của pháp luật tại thời điểm này đã có sự thay đổi. Nếu gặp vấn đề pháp lý liên quan bạn liên hệ luật sư qua tổng đài 1900 6289 hoặc email Contact@luattienphong.vn.