(Luật Tiền Phong) – Chúng ta đã cùng nhau lần lượt đi qua các bài viết:
>>> Luật sư tư vấn giải quyết trọn gói tranh chấp đất đai
>>> Hướng dẫn công tác chuẩn bị tài liệu giấy tờ giải quyết tranh chấp đất đai 2019
>>> Hướng dẫn thủ tục hoà giải về tranh chấp đất đai mới nhất 2019
Hôm nay Luật Tiền Phong tiếp tục giới thiệu đến các Quý vị độc giả bài viết về phiên toà ngiải quyết vụ án tranh chấp đất đai theo được mới nhất như sau:
Ý nghĩa của phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án tranh chấp đất đai
Phiên tòa sơ thẩm vụ án tranh chấp đất đai có thể hiểu một cách ngắn gọn là phiên họp công khai lần đầu do toà án tổ chức có sự tham gia của những người tham gia tố tụng theo những nguyên tắc và thủ tục nhất định để Tòa án ra phán quyết về toàn bộ vụ tranh chấp đất đai.
Phiên toà sơ thẩm có đặc điểm sau:
- Là phiên họp công khai lần đầu do toà án tổ chức;
- Có sự tham gia của những người tham gia tố tụng là đương sự (nguyên đơn, bị đơn; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, người giám định, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân; người giám định, người phiên dịch nếu có.
- Tuân theo những nguyên tắc và thủ tục nhất định được quy định trong luật tố tụng dân sự.
- Là cơ sở Tòa án ra phán quyết về toàn bộ vụ án tranh chấp đất đai.
Ý nghĩa của phiên toà sơ thẩm
Phiên tòa sơ thẩm là phiên xử lần đầu nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết vụ án tranh chấp đất đai. Tại phiên tòa sơ thẩm, tòa án sẽ quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án, xác định quyền và nghĩa vụ của các đương sự làm cơ sở cho việc thi hành án. Sau khi tòa án tiến hành phiên tòa sơ thẩm việc giải quyết vụ án dân sự kết thúc, trừ trường hợp có kháng cáo, kháng nghị.
Phiên tòa sơ thẩm cũng là nơi Tòa án thực hiện việc giáo dục pháp luật. Thông qua hoạt động xét xử của Tòa án, những người tham dự phiên tòa biết rõ hơn các quy định của pháp luật được Tòa án áp dụng giải quyết vụ án từ đó nâng cao được ý thức pháp luật của họ.
Những công việc cần chuẩn bị trước phiên toà
Trước khi tổ chức phiên toà sơ thẩm giải quyết vụ án, thẩm phán có một thời hạn chuẩn bị xét xử để tiến hành các công việc cần thiết làm sáng tỏ các vấn đề của vụ án. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán sẽ độc lập tiến hành các hoạt động:
- Lập hồ sơ vụ án;
- Xác định tư cách đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và chủ thể khác trong vụ án;
- Xác định quan hệ tranh chấp; nội dung tranh chấp, vấn đề cần giải quyết.
- Làm rõ các vấn đề của vụ án;
- Xác minh, thu thập chứng cứ giải quyết vụ án. Đương sự nếu không thể thu thập chứng cứ có thể làm đơn yêu cầu toà án hỗ trợ; trường hợp toà án thấy cần thiết sẽ tự mình thực hiện việc thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án.
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tổ chức các phiên họp hoà giải, công khai tài liệu, chứng cứ.
Trình tự, thủ tục phiên toà sơ thẩm về tranh chấp đất đai
Khai mạc phiên toà
Chủ toạ phiên toà là thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ là người đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, giải thích quyền nghĩa vụ các đương sự tham gia phiên toà, giải quyết các yêu cầu thay đổi người tham gia tố tụng, giải quyết việc thay đổi, rút yêu cầu giải quyết vụ án trước khi đi vào nội dung căn bản của phiên toà.
Tranh tụng tại phiên toà
Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án tranh chấp đất đai.
Đầu tiên nguyên đơn trình bày yêu cầu khởi kiện, bị đơn trình bày ý kiến về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (luật sư đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền trình bày thay).
Sau đó thành viên Hội đồng xét xử sẽ lần lượt từ chủ toạ sẽ đặt câu hỏi cho các đương sự, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đặt câu hỏi và đến luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đặt câu hỏi. Hội đồng xét xử sẽ công khai tài liệu, chứng cứ của vụ án, xem xét vật chứng trước khi chuyển sang phần tranh luận. Luật sư, đương sự có quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án và các bên có quyền tranh luận đối đáp để bảo vệ quan điểm của mình. Thư ký toà án sẽ ghi lại nội dung tranh tụng một cách trung thực bằng văn bản.
Nghị án và tuyên án
Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án để nghị án. Chỉ có các thành viên Hội đồng xét xử mới có quyền nghị án. Khi nghị án, các thành viên Hội đồng xét xử phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Hội thẩm nhân dân biểu quyết trước, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.
Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án với sự có mặt của các đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức và cá nhân khởi kiện. Khi tuyên án, mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy, trừ trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án và có thể giải thích thêm về việc thi hành bản án và quyền kháng cáo.
Những lưu ý khi tham gia phiên toà giải quyết tranh chấp đất đai
Hiểu quy định về pháp luật tố tụng, lắng nghe chủ toạ giải thích quyền nghĩa vụ của mình tại phiên toà là điều cần thiết cho Quý vị để khi được phát biểu, được nói, Quý vị không làm trái, không làm quá những quyền mà pháp luật đã định cho mình. Việc trả lời khúc triết, ngắn gọn, rõ ràng, đi vào trọng tâm câu hỏi của Hội đồng xét xử cũng là cách gây thiện cảm và giúp phiên toà diễn ra nhanh gọn, hiệu quả. Nếu có nội dung hoặc vấn đề nào chưa hiểu rõ, đương sự được phép đề nghị toà án giải thích nhưng không nên quá một lần vì chủ toạ sẽ từ chối không gỉai thích hai lần. Nếu có mặt luật sư thì luật sư sẽ giải thích và đại diện phát biểu cũng như đưa ra các yêu cầu cụ thể.
Có bắt buộc phải ở lại nghe toà tuyên án?
Điều 267 Luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án hoặc vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tuyên đọc bản án. Như vậy, nếu Quý vị vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tuyên đọc bản án/quyết định. Tuy nhiên, Quý vị nên tôn trọng Hội đồng xét xử, nên ở lại cho đến khi bản án được tuyên xong cho dù Quý vị có thể đoán trước là mình “thua”. Theo chúng tôi đó là nét hành xử văn hoá, văn minh.
Cuối cùng, đến đây thì Quý vị gần như đã giải quyết xong vụ tranh chấp đất đai nếu hài lòng với phán quyết của toà án, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến Quý bạn đọc bài viết về:
>>> Quyền kháng cáo và các việc cần làm khi kháng cáo – quy định mới nhất
>>> Hướng dẫn thực hiện thi hành án với bản án giải quyết tranh chấp đất đai
Rất mong bài viết cung cấp các thông tin hữu ích để Quý vị bạn đọc tham chiếu sử dụng, mọi băn khoăn của Quý vị sẽ được chúng tôi đón nhận và tư vấn tại tổng đài 0916 162 618/0976 714 386 trong giờ hành chính các ngày trong tuần.
====================
BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT TIỀN PHONG
Hotline: 0916 162 618/0976 714 386
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Toà nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.