Thủ tục khai nhận di sản thừa kế không có di chúc đối với biệt thự cổ ở Hà Nội

(Luật Tiền Phong) – Thủ tục khai nhận di sản thừa kế không có di chúc đối với biệt thự cổ ở Hà Nội  có khác gì đối với nhà đất bình thường hay không, cần thực hiện như thế nào? Mời các bạn xem bài viết sau đây của chúng tôi để biết thêm chi tiết.

Khách hàng hỏi:

Cô tôi sinh năm 1943, có con trai sinh năm 1967. Hai mẹ con đồng sở hữu Biệt thự trên P.Trần Hưng Đạo – Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội. Nhà đã có GCN  30/5/2011, diện tích sử dụng riêng là 9,8m2 trong tổng số hơn 300m2 do các đồng sở hữu khác sử dụng.

Ngày 05/01/2025 con cô tôi mất không để lại di chúc. Cô tôi đã ly hôn từ tháng 5/1980, năm 2023 chồng cô tôi mất. Sau khi ly hôn, cô tôi không kết hôn với ai. Con trai là con chung duy nhất của 2 vợ chồng tôi cô nhưng cũng đã ly hôn ngày 23/12/2014, khi ly hôn con của cô tôi chưa có con. Lúc ly hôn, vợ chồng người con không thoả thuận về phân chia tài sản.

Nay cô tôi phải làm thủ tục nào để được hưởng di sản thừa kế của con trai và người vợ cũ có quyền lợi gì không? Mong luật sư tư vấn cho tôi.

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế không có di chúc đối với biệt thự cổ ở Hà Nội
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế không có di chúc đối với biệt thự cổ ở Hà Nội

Trả lời:

Trước tiên, Công ty Luật Tiền Phong xin gửi đến Bạn lời chào trân trọng và lời kính chúc sức khoẻ.

Câu hỏi của bạn cùng hồ sơ đã được chúng tôi nghiên cứu, trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi gửi bạn ý kiến tư vấn cụ thể như sau:

Căn cứ pháp luật áp dụng:

  • Bộ luật Dân sự năm 2015.
  • Luật Hôn nhân và Gia đình.
  • Luật Đất đai.

Nhận định: cô của bạn có tài sản đồng sở hữu chung với con trai là một phần căn nhà biệt thự, nguồn gốc sở hữu Nhà nước, bán hoá giá cho người thuê. Nhà đã được cấp GCNQSDĐ. Nay người con trai mất nên gia đình cô bạn mong muốn được tư vấn về thủ tục khai nhận thừa kế phần nhà này.

Đối với tài sản là nhà ở thuộc sở hữu chung, trước hết cần xác định quyền sở hữu chung đối với căn nhà nêu trên, xác định di sản và từ đó xác định thủ tục khai nhận thừa kế, hồ sơ, tài liệu cần chuẩn bị và kỷ phần thừa kế cụ thể. Dưới đây là nội dung tư vấn chi tiết.

1. Xác định di sản thừa kế.

Như bạn trình bày, cô bạn và con trai đồng sở hữu một phần căn nhà biệt thự do Nhà nước sở hữu nhưng đã bán hoá giá cho người thuê, diện tích đã được cấp GCNQSDĐ 8m2. Thời điểm cấp GCN là năm 2011.

Như vậy nguồn gốc căn biệt thự là hai mẹ con cô bạn mua hoá giá nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Thời điểm này, các quy định mua bán nhà ở thuộc sở hữu do Nghị định 61-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 5/7/1994 đến ngày 6/6/2013, theo đó, Nhà nước thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê phần diện tích đang được thuê để người mua nhà ở có điều kiện cải thiện chỗ ở. Bạn trao đổi với cô bạn xem thời điểm Nhà nước bán hoá giá nhà, bên thuê trong hợp đồng thuê nhà biệt thự có những tên ai, ngoài cô bạn và con trai ra thì con dâu có đứng tên trong hợp đồng thuê hay không? nếu có thì tất cả những người cùng thuê đều có quyền mua như nhau. Nếu hợp đồng thuê và khi xét duyệt cho mua nhà, hợp đồng mua bán nhà, hồ sơ, hợp đồng chỉ có tên cô bạn và người con trai thì nhà này thuộc sở hữu của cô bạn ½.

Cô bạn sau khi ly hôn không kết hôn với ai nên xác định được, phần sở hữu của cô bạn trong căn nhà trên là tài sản riêng của cô.

Do người con trai đang có vợ hợp pháp tại thời điểm mua nhà, nên phần góp tiền mua căn nhà trên sẽ là tài sản chung vợ chồng (trừ khi 2 vợ chồng có thoả thuận khác) căn cứ Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2000. Và tài sản chung vợ chồng là nhà ở thì phải ghi tên của cả vợ và chồng (Khoản 1 Điều 27). Trong GCNQSDĐ không ghi tên người vợ nhưng người chồng (và cô bạn) không có giấy tờ nào thể hiện vợ chồng người con trai thoả thuận tiền mua nhà là của riêng người chồng, thì cần xác định, ½ của ½ căn nhà trên là sở hữu của người vợ trong tài sản chung với người chồng, khi ly hôn vợ chồng chưa phân chia thì nay vẫn là của người vợ.

Từ những phân tích trên, có thể xác định: nếu không có tài liệu nào về việc vợ chồng người con của cô bạn chưa thoả thuận ½ căn nhà trên là tài sản riêng của người chồng, thì căn nhà trên đang có 3 người đồng sở hữu, cô bạn và 2 vợ chồng người con. Về tỷ lệ sở hữu cụ thể, bạn cần hỏi lại cô bạn xem hợp đồng mua bán xác định ai được quyền mua, nếu chỉ có hai mẹ con thì phần tài sản chung vợ chồng người con là ½ căn nhà, và di sản thừa kế của người con trai là 50% của ½ căn nhà.

2. Xác định những người được hưởng thừa kế của người con trai

Như bạn cho biết, vợ chồng người cô chỉ có một mình anh con trai, người bố mất năm 2023, tức là mất trước con, do vậy không xác lập quyền thừa kế cho bố là người đã chết (tại thời điểm mở thừa kế). Về vợ và con: hiện tại người con cô bạn không có vợ, không có con nên người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người con trai chỉ là mẹ (cô bạn). Do vậy, cô bạn sẽ là người hưởng toàn bộ di sản.

3. Về hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị.

Cô bạn cần chuẩn bị các giấy tờ:

  • GCNQSDĐ đối với căn nhà (đối tượng chia thừa kế).
  • CCCD của cô bạn.
  • CCCD của người con, Giấy khai sinh, trích lục khai tử người con trai.
  • Quyết định ly hôn của vợ chồng cô bạn và giấy xác nhận từ thời điểm ly hôn đến thời điểm mua nhà, cô bạn không kết hôn với ai.
  • Giấy xác nhận của UBND phường về việc người con trai từ thời điểm ly hôn đến thời điểm chết không kết hôn với ai.
  • Trích lục khai tử của người bố (chồng cũ cô bạn).
  • Giấy tờ về kết hôn, căn cước công dân vợ người con trai.

Các giấy tờ trên cần được công chứng, chứng thực.

4. Trình tự, thủ tục khai nhận thừa kế:

4.1 Khai nhận thừa kế tại Văn phòng công chứng nơi có nhà:

Cô bạn, người vợ của người con trai sẽ lập văn bản thoả thuận phân chia tài sản thừa kế có sự chứng kiến của công chứng viên. Việc ký có thể tại Văn phòng công chứng hoặc tại nhà riêng tuỳ vào yêu cầu của gia đình.

Trường hợp vợ của người con trai không nhận tài sản thì có thể ký văn bản xác nhận căn nhà là tài sản riêng của người chồng, trên cơ sở này, Văn phòng công chứng sẽ lưu hồ sơ và lập văn bản khai nhận thừa kế toàn bộ căn nhà trên cho cô của bạn.

4.2 Niêm yết văn bản khai nhận thừa kế.

Văn bản khai nhận thừa kế cần được niêm yết tại UBND phường nơi có đất trong 15 ngày. Kết thúc niêm yết mà không có khiếu nại thì UBND phường lập biên bản kết thúc niêm yết để Văn phòng công chứng đóng dấu xác nhận.

4.3 Nộp hồ sơ đăng ký biến động.

Sau khi có hồ sơ được Văn phòng công chứng xác nhận, cô bạn nộp hồ sơ đăng ký biến động sang tên tại VPĐK đất đai chi nhánh nơi có đất để ra GCNQSDĐ đứng tên đối với phần di sản cô bạn được hưởng.

5. Thuế, phí, lệ phí liên quan đến thủ tục.

Việc hưởng thừa kế là bất động sản giữa mẹ và con không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Phí công chứng: nộp theo quy định tại văn phòng công chứng.

Lệ phí trước bạ: nhà, đất nhận thừa kế giữa mẹ và con được miễn lệ phí trước bạ theo quy định tại khoản 10 Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Tiền Phong đối với vấn đề bạn hỏi. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào liên quan, bạn có thể liên hệ với chúng tôi tại Điện thoại: 091 6162 618 / 097 8972 587 hoặc Email: Contact@luattienphong.vn.

Thân chúc bạn sức khoẻ.

Trân trọng.

Bài liên quan:

—————————————-

Công ty Luật TNHH Tiền Phong

Điện thoại tư vấn: 091.6162.618 và 097.8972.587

Email: Contact@luattienphong.vn

Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *