Luật Tiền Phong – Người lao động nước ngoài sang Việt Nam lao động, làm việc khi có nhu cầu bảo lãnh cho thân nhân sang Việt Nam thì có được không? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người lao động nước ngoài quan tâm. Để biết được thông tin về vấn đề này, mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.
1. Có được xin thẻ tạm trú cho vợ người lao động nước ngoài tại Việt Nam?
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam có quyền sau:
“b) Người có thẻ tạm trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm; được bảo lãnh vợ, chồng, con dưới 18 tuổi ở cùng trong thời hạn thẻ tạm trú nếu được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người đó đồng ý;”
Như vậy, người lao động nước ngoài có quyền bảo lãnh vợ, chồng, con dưới 18 tuổi sang Việt Nam ở cùng nếu được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người lao động đó đồng ý và thân nhân đó sẽ được cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam.
2. Thủ tục xin thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam
Trước tiên cần xin công văn nhập cảnh cho vợ của người nước ngoài, để được vào Việt Nam theo diện visa TT (thăm thân) Người nước ngoài có quyền bảo lãnh có trách nhiệm trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp thị thực (Tờ khai đề nghị cấp thị thực Việt Nam theo mẫu NA1 kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam) cho vợ, chồng, con dưới 18 tuổi tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp thị thực, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an xem xét, giải quyết, trả lời người nước ngoài đã bảo lãnh và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài (Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam) nơi đề nghị nhận thị thực.
Hồ sơ đề nghị cấp thị thực:
Vợ, chồng của người nước ngoài đã bảo lãnh cần đến Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam nói trên để nộp hồ sơ đề nghị cấp thị thực, bao gồm:
– 01 Tờ khai đề nghị cấp thị thực Việt Nam, có dán ảnh cỡ 4×6 cm (chụp chưa quá 1 năm, mắt nhìn thẳng, đầu để trần);
– Hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu (còn thời hạn dài hơn ít nhất 01 tháng so với thời hạn giá trị của thị thực đề nghị cấp);
– Thông báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời đón khách về việc đã làm thủ tục nhập cảnh cho khách tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú cho vợ người lao động nước ngoài:
Sau khi được cấp thị thực tại Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài tiến hành xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài đó, hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
– Hộ chiếu gốc của vợ;
– Hộ chiếu của chồng và thẻ tạm trú của chồng;
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn ( bản dịch có công chứng);
– Ảnh 2×3;
– Giấy phép lao động bản gốc hoặc sao công chứng;
– Xác nhận khai báo tạm trú hoặc hợp đồng thuê nhà.
Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét cấp thẻ tạm trú.
Trên đây là toàn bộ những quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết đối với việc xin cấp thẻ tạm trú cho vợ người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Mọi thắc mắc, băn khoăn, quý khách vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của chúng tôi theo số 091 616 2618/ 0976 714 386 để được các chuyên viên Luật Tiền Phong giải đáp.
Trân trọng!
============================
CÔNG TY LUẬT TNHH TIỀN PHONG
Hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội
Luật sư Khúc Thị Quyên là Luật sư cao cấp của LTP, có điểm thi kết quả tập sự nghề Luật sư đứng thứ 2 toàn quốc. LS Quyên được đánh giá cao ở sự thông minh, nhiệt tình và trách nhiệm.