Tư vấn pháp lý về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động

(Luật Tiền Phong)Công ty (Người sử dụng lao động) xử lý thanh toán chi phí như thế nào theo quy định trong trường hợp có người lao động gặp tai nạn? Đây là câu hỏi mà Luật Tiền Phong đã nhận được từ phía Khách hàng và đã nghiên cứu, đưa ra ý kiến tư vấn pháp lý tốt nhất theo quy định. Các bạn đọc có thể tham khảo chi tiết tình huống này thông qua bài viết sau đây của chúng tôi:

KHÁCH HÀNG HỎI:

“1. Người lao động trong công ty khi bị tai nạn lao động thì được công ty (NSDLĐ) thanh toán những chi phí gì? Nêu cụ thể và căn cứ pháp lý?           

2. Người lao động khi bị tai nạn lao động tự ý đến cơ sở y tế khác tuyến (Bệnh lớn, trung ương…), tự ý mua thuốc không theo chỉ định bệnh viện, tự mua trang thiết bị phục vụ bản thân như máy đo huyết áp, chân tay giả… không thuộc trong quá trình điều trị thì có được thanh toán chi phí không?”

LUẬT TIỀN PHONG TRẢ LỜI:

Chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động
Chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động

1. Căn cứ pháp lý áp dụng.

  • Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 20/11/2019;
  • Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 25/6/2015;
  • Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20/11/2014;
  • Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2020, hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện và hợp đồng lao động.

2. Ý kiến tư vấn.

Xác định những chi phí công ty phải thanh toán khi người lao động bị tai nạn.

Các khoản người lao động được người sử dụng lao động lao động thanh toán khi bị tai nạn lao động gồm:

Chí phí sơ cứu, cấp cứu:

  • Phí tạm ứng để sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp (gồm cả chi phí xe cứu thương).

Chi phí điều trị (từ sơ cấp cứu đến khi điều trị ổn định), gồm:

  • Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
  • Phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
  • Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

Các khoản sau đây không được coi là chí phí trực tiếp cho quá trình sơ cấp cứu và điều trị, nhưng là khoản chi phí có liên quan của doanh nghiệp, gồm:

Doanh nghiệp phải chi lương: NLĐ bị tai nạn lao động vẫn được NSDLĐ thanh toán đủ lương trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng.

Doanh nghiệp phải bồi thường nếu tai nạn lao động không hoàn toàn do lỗi của người lao động gây ra. Mức:

  • Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  • Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương.

Công thức:

Tbt = 1,5 + {(a – 10) x 0,4}

Trong đó:

– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

– 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;

– a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.

Doanh nghiệp phải trả trợ cấp trong trường hợp NLĐ bị tai nạn lao động do lỗi của họ. Mức: 

  • Ít nhất 12 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
  • Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tính theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này:

Ttc = Tbt x 0,4

Trong đó:

– Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);.

– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).

Doanh nghiệp phải bồi thường, trợ cấp theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động (trong 05 ngày tính từ ngày có kết luận), hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người.

Lưu ý: Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các khoản trên là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

(Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)

Xác định nghĩa vụ thanh toán đối với khoản chi phí người lao động tự chi mà không thuộc quá trình điều trị.

NSDLĐ không phải thanh toán các khoản trên vì các khoản chi từ ngân sách doanh nghiệp (NSDLĐ) đều phải dựa trên quy định của pháp luật. Việc người lao động tự mua không theo chỉ định bệnh viện, không nằm trong danh mục hưởng bảo hiểm y tế là tự phát, không đánh giá được tính hợp pháp hợp quy.

Tuy nhiên, thực tế thì NSDLĐ căn cứ thực tế có thể có sự hỗ trợ NLĐ tuỳ vào quyết định của mình (không bắt buộc).

Trên đây là ý kiến tư vấn pháp lý của Công ty Luật Tiền Phong đối với vấn đề Quý khách hàng yêu cầu, nếu có nội dung nào cần trao đổi làm rõ thêm, vui lòng liên hệ với chúng tôi.

————————————-

Công ty Luật TNHH Tiền Phong.

Hotline: 091 616 2618/  097 8972 587.

Email: contact@luattienphong.vn.

Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *