(Luật Tiền Phong) – bị giám sát, giáo dục tại nơi cư trú là một biện pháp tư pháp áp dụng cho những người được miễn trách nhiệm hình sự. Trong thời gian này, người bị giám sát giáo dục phải chịu một số hạn chế nhất định.
Luật Tiền Phong chia sẻ ý kiến tư vấn liên quan đến trường hợp người đang bị giám sát, giáo dục khi đi khỏi nơi cư trú phải thực hiện những thủ tục báo cáo nào.
Hỏi:
Con trai tôi bị công an thực hiện biện pháp giám sát, giáo dục tại địa phương vì năm 15 tuổi cháu có đánh 1 người bị thương tích. Hàng tháng hoặc hàng năm công an xã vẫn đến nhà lập biên bản yêu cầu con tôi phải trình diện khi được yêu cầu cũng như phải xin phép khi ra khỏi địa phương. Nhưng thực tế từ ngày bị áp dụng biện pháp này con tôi chưa đi đâu.
Nay, cháu muốn đến làm cho anh chị ở Quảng Ninh trong 1 năm thì thủ tục báo cáo với công an như thế nào xin luật sư tư vấn hộ.
Trả lời
Câu hỏi của bạn Luật Tiền Phong tư vấn như sau:
Việc vắng mặt của người được giám sát, giáo dục tại nơi cư trú được quy định tại điều 22 Nghị định 37/2018/NĐ-CP như sau:
Người được giám sát, giáo dục được phép vắng mặt tại nơi cư trú, nếu có lý do chính đáng và phải thực hiện khai báo tạm vắng. Việc vắng mặt tại nơi cư trú có thể được thực hiện nhiều lần nhưng mỗi lần không quá 30 ngày và tổng thời gian vắng mặt không được vượt quá một phần ba thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Trước khi đi khỏi nơi cư trú, người được giám sát, giáo dục phải thực hiện theo quy định sau:
- Trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú dưới 15 ngày thì phải thông báo với người trực tiếp giám sát, giáo dục về lý do, thời gian vắng mặt tại nơi cư trú và nơi đến tạm trú. Người trực tiếp giám sát, giáo dục phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người được giám sát, giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú;
- Trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú từ 15 ngày đến 30 ngày thì phải làm đơn xin phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó ghi rõ lý do, thời gian vắng mặt, nơi đến tạm trú và ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đơn xin phép được gửi đến người trực tiếp giám sát, giáo dục.
Ngay sau khi nhận được đơn xin phép, người trực tiếp giám sát, giáo dục phải có ý kiến và chuyển đơn đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn xin phép, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định và thông báo cho người làm đơn biết. Trường hợp không cho phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày về lại nơi cư trú, người được giám sát, giáo dục phải trực tiếp báo cáo với người trực tiếp giám sát, giáo dục và tiếp tục chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại nơi cư trú. Người trực tiếp giám sát, giáo dục báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người được giám sát, giáo dục đã về lại nơi cư trú.
Nếu người được giám sát, giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú mà không tuân thủ quy định trên thì thời gian vắng mặt không được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Như vậy, con bạn không thể đi làm việc với thời hạn 1 năm tại địa phương khác.
Trên đây là nội dung tư vấn của luật sư, hi vọng giúp bạn làm sáng tỏ vấn đề mà bạn đang quan tâm, nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn chi tiết hơn nữa, vui lòng kết nối đến tổng đài 1900 6289 để được hỗ trợ.
>>> Thủ tục kết thúc thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn
>>> Mẫu giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
====================
BAN TƯ VẤN PHÁP LUẬT TIỀN PHONG
Hotline: 1900 6289
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Toà nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội
*Lưu ý: Nội dung bài viết chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự kiện khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do pháp luật hoặc chính sách của nhà nước có sự thay đổi. Vui lòng liên hệ luật sư qua hotline 1900 6289 hoặc email contact@luattienphong.vn để được tư vấn.