(Luật Tiền Phong) – Xử phạt chậm đăng kí biến động đất đai tại Thanh Oai được quy định tại văn bản pháp luật nào, và cụ thể như thế nào? Mời các bạn quan tâm theo dõi bài viết sau đây của chúng tôi.
Hỏi:
“Vợ chồng tôi có tài sản chung là một thửa đất ở Thanh Thuỳ, Thanh Oai. Chúng tôi đã được cấp sổ đỏ, sổ ghi loại đất là “T” (sổ chữ T). Năm 2019 chồng tôi bị bệnh nặng nên anh ấy đã mời công chứng đến lập hợp đồng tặng cho hai con. Tôi là bên đại diện cho các con nhận tặng cho.
Đầu năm 2025, tôi mới tiến hành thủ tục đăng ký biến động đất đai. Khi nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai huyện, tôi được hướng dẫn phải về UBND xã để thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính vì việc chậm đăng ký biến động. Tôi băn khoăn không biết thẩm quyền xử phạt hành chính là VPĐK đất đai hay UBND xã, pháp luật quy định thẩm quyền này thuộc cơ quan nào, mức phạt bao nhiêu… mong được luật sư tư vấn.”

Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã liên hệ và tin tưởng nơi chúng tôi. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:
1. Chậm đăng ký biến động đất đai sẽ bị xử phạt.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024, thời hạn đăng ký biến động đất đai là 30 ngày kể từ ngày có biến động. Theo quy định trên, kể từ ngày chồng bạn lập hợp đồng tặng cho các con thì trong thời hạn 30 ngày, bạn cần phải tiến hành thủ tục đăng ký biến động điều chỉnh thông tin người sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nội dung tặng cho.
Theo khoản 2, khoản 3 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, hành vi chậm đăng ký biến động sau khi đã thực hiện công chứng giao dịch hợp đồng thì bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng (đối với cá nhân).
Theo Luật Quản lý thuế 2019, trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm công chứng hợp đồng chuyển nhượng/tặng cho quyền sử dụng đất, đương sự bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký sang tên và nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 10 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Theo khoản 5 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì bạn có thể sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng vì nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế.
Như vậy, chế tài pháp lý do chậm nộp hồ sơ kê khai thuế và chậm đăng ký biến động đất đai áp dụng đối với trường hợp của bạn là các khoản phạt tiền theo quy định chúng tôi trích dẫn trên đây.
Đối với câu hỏi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do chậm đăng ký biến động đất đai thì quy định của pháp luật cụ thể như sau đây.
2. Thẩm quyền xử phạt hành chính về đất đai
Theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, theo đó, thẩm quyền xử phạt hành chính do hành vi chậm đăng ký biến động có thể thuộc ủy ban nhân dân các cấp (Điều 30), hoặc thuộc thẩm quyền của các cơ quan thanh tra chuyên ngành (Điều 31).
2.1. Thẩm quyền xử phạt của ủy ban nhân dân nhân dân các cấp:
Cụ thể:
a. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
- Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của mốc địa giới đơn vị hành chính.
b. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
- Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
- Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;
- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
c. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;
- Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
- Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;
- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Như vậy, pháp luật chỉ quy định mức phạt tiền tối đa mà mỗi cấp có thể áp dụng (cấp xã: đến 5 triệu đồng, cấp huyện: đến 100 triệu đồng, cấp tỉnh: đến 500 triệu đồng), không đề cập đến mức phạt tối thiểu. Như vậy, có thể hiểu rằng, bất kỳ UBND cấp nào (xã, huyện, tỉnh) cũng có thể ra quyết định xử phạt miễn là mức phạt không vượt quá giới hạn tối đa của cấp đó.
Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, nguyên tắc phân cấp quản lý hành chính đóng vai trò quan trọng. Theo đó, các vi phạm ở mức độ nhẹ, thường phát sinh và được giải quyết ở cấp cơ sở (cấp xã), sẽ do UBND cấp xã xử lý. UBND cấp huyện và cấp tỉnh thường chỉ xử lý khi vụ việc vượt quá thẩm quyền của cấp dưới, có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn, hoặc có yếu tố khiếu nại, tố cáo.
2.2 Thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành:
Ngoài Ủy ban nhân dân các cấp, thanh tra chuyên ngành cũng có quyền xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, quy định cụ thể tại Điều 31 Nghị định 123/2024/NĐ-CP như sau:
a. Thẩm quyền phạt của cấp Sở: Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành đất đai của Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Trưởng đoàn thanh tra do Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Phạt cảnh cáo.
- Phạt tiền đến 50.000.000 đồng.
- Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất.
- Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn.
- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
b. Thẩm quyền phạt của cấp Tỉnh: Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra do Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập.
- Phạt cảnh cáo.
- Phạt tiền đến 250.000.000 đồng.
- Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất.
- Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn.
- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
c. Thẩm quyền phạt của cấp Bộ: Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất.
- Phạt cảnh cáo.
- Phạt tiền đến 500.000.000 đồng.
- Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất.
- Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn.
- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
d. Thẩm quyền phạt của Thanh tra Quốc phòng: Xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất quốc phòng theo quy định.
e. Thẩm quyền phạt đối với đất an ninh: Chánh Thanh tra Công an tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ Công an.
- Xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất an ninh theo quy định.
- Các chức danh Công an theo quy định tại Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính được xử phạt đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP theo thẩm quyền.
Nhìn chung, thẩm quyền phạt của thanh tra chuyên ngành đất đai được phân cấp rõ ràng từ cấp Sở, cấp Tỉnh đến cấp Bộ, với mức phạt tiền tăng dần theo cấp. Ngoài ra, còn có các quy định riêng về thẩm quyền xử phạt đối với đất quốc phòng và đất an ninh.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu rơi vào những kỳ/đợt thanh, kiểm tra của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, những cơ quan này mới trực tiếp tiến hành việc lập biên bản cũng như xử lý hành chính. Mặc dù pháp luật cũng không quy định mức phạt tối thiểu của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, xong căn cứ vào tính chất vụ việc, căn cứ vào mức tiền phạt đối với trường hợp cá nhân chậm đăng ký biến động, nhiều khả năng các cơ quan thanh tra chuyên ngành sẽ chuyển hồ sơ về ủy ban nhân dân cấp xã để tiến hành lập biên bản xử lý và xử phạt.
Trên đây là tư vấn của Luật Tiền Phong đối với vấn đề mà bạn đọc quan tâm, chúng tôi hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn có thêm thông tin và hiểu biết về pháp luật để thực hiện cho đúng khi gặp những tình huống tương tự.
Trân trọng.
Hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi, có người bảo rằng chồng tôi tặng cho con chưa thành niên là đang giao dịch với chính mình vì chồng tôi cũng là đại diện cho cháu. Hợp đồng ký từ năm 2019 đến nay mày đi sang tiền cũ là sai. Rồi khuyên tôi nên hủy giao dịch này và ký lại. Vậy tôi nên làm gì?
Trả lời:
Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, đối với giao dịch bất động sản của con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của cha mẹ (điều 73 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Khoản 2 Điều 141 Bộ luật Dân sự năm 2015: “3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Trong quan hệ hợp đồng, giao dịch tặng cho con tài sản, chồng bạn là bên tặng cho do chính anh ấy nhân danh và đại diện cho chính mình, bạn ký ở bên nhận tặng cho, hai người cùng ký trong một văn bản đã thể hiện sự đồng ý của cả hai bên về việc cho và nhận. Việc chồng bạn ký ở bên cho tặng còn bán ký ở bên nhận cho tặng đã giúp tránh được quy định về việc một người cùng tham gia giao dịch với người mà chính mình là người đại diện.
Bởi vậy hồ sơ của bạn hoàn toàn hợp lệ và hợp pháp. Bạn cứ nộp hồ sơ vào cơ quan có thẩm quyền là văn phòng đăng ký đất đai huyện Thanh Oai, trong trường hợp cơ quan này không tiếp nhận thì cần trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. Sau khi có chứng cứ về việc hồ sơ không được thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật, bạn có quyền thực hiện khiếu nại theo quy định.
Hỏi:
Luật sư ơi, khi tôi về làm việc với ủy ban xã thì cơ quan này lại bảo tôi lên huyện thì họ cho rằng họ không phải là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động nên họ không có cơ sở để xử phạt tôi. Tôi nên làm thế nào bây giờ?
Trả lời:
Sự kiện bạn đến ủy ban xã báo cáo về hành vi chậm đăng ký đất đai đã tạo nên một căn cứ để ủy ban nhân dân xã “phát hiện ra hành vi vi phạm”, do vậy căn cứ vào mức xử phạt vi phạm hành chính như chúng tôi nêu trong bài viết này, ủy ban nhân dân xã hoàn toàn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Bạn nên trao đổi cụ thể với cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp, trường hợp cần thiết bạn có thể xin gặp trực tiếp chủ tịch hoặc phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã phụ trách về đất đai để trình bày. Trong trường hợp bạn vẫn không được cơ quan này thụ lý hồ sơ để xử phạt hành chính, bạn có quyền khiếu nại về hành vi hành chính này.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
>>> Thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất sổ chữ T (Thanh Oai) cho con
—————————————–
Công ty Luật TNHH Tiền Phong
Điện thoại tư vấn: 091.6162.618 và 097.8972.587
Email: Contact@luattienphong.vn.
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.