Bình luận Án lệ số 05/2016/AL về vụ án Tranh chấp di sản thừa kế

(Luật Tiền Phong) – Trong trường hợp đương sự trong tranh chấp thừa kế có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản, nếu đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có yêu cầu Tòa phân xem xét về công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế thì Tòa án giải quyết như thế nào? Với bài viết này, Luật Tiền Phong sẽ bình luận về án lệ số 05/2016/AL, đưa ra hướng giải quyết thích hợp cho những vụ việc như trên.

Án lệ số 05

1. Nguồn án lệ số 05/2016/AL:

Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 09-10-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” tại Thành phố Hồ Chí Minh giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thưởng, bà Nguyễn Thị Xuân với bị đơn là ông Nguyễn Chí Trải (Cesar Trai Nguyen), chị Nguyễn Thị Thuý Phượng, bà Nguyễn Thị Bích Đào.

2. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ số 05/2016/AL:

  • Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004;

“Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.”

  •  Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004:

“1. Tội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự, nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.

2. Trong trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.”

3. Khái quát nội dung án lệ số 05/2016/AL:

Tình huống án lệ:  

Vợ chồng cụ Hưng, cụ Ngự có 6 người con, bao gồm ông Trải, và có tài sản chung là một căn nhà. Cụ Hưng chết năm 1978, cụ Ngự chết năm 1992 đều không để lại di chúc. Ông Trải có một người con là chị Phượng, đã ở tại căn nhà của cụ Hưng, cụ Ngự từ khi sinh ra cho đến thời điểm khởi kiện, và hiện đang quản lý căn nhà này. Năm 2008, ông Trải bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Sau đó, hai người con của Cụ Hưng, cụ Ngự đã khởi kiện để yêu cầu chia di sản thừa kế là căn nhà nói trên.

Trong quá trình giải quyết vụ án, chị Phượng cho rằng đã hết thời hiệu chia thừa kế, nên chị không đồng ý trả lại nhà đất cho các đồng thừa kế và do đó không yêu cầu xem xét công sức của mình trong việc quản lý, tôn tạo căn nhà.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm, TAND TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của hai người con của cụ Hưng, cụ Ngự, buộc chị Phượng giao lại căn nhà để chia thừa kế mà không xem xét công sức của chị Phượng trong việc quản lý, tôn tạo căn nhà. Bản án dân sự phúc thẩm quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm. Sau đó, chị Nguyễn Thị Thuý Phượng có đơn đề nghị giám đốc thẩm Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.

4. Giải pháp pháp lý và bình luận án lệ số 05/2016/AL:

Tài sản mà các đương sự tranh chấp là căn nhà số 263 đường Trần Bình Trọng, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 09-10-2014, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định như sau:

  • Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Hưng, cụ Ngự vẫn còn;
  • Chị Phượng không phải thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Hưng, cụ Ngự, nhưng là cháu nội của hai cụ và có nhiều công sức quản lý, đã chi tiền sửa chữa nhà;
  • Trong quá trình giải quyết vụ án, chị Phượng không yêu cầu xem xét công sức vì chị Phượng cho rằng vụ án đã hết thời hiệu chia thừa kế, không đồng ý trả nhà đất cho các thừa kế. Như vậy, yêu cầu của chị Phượng đề nghị xác định quyền lợi là lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét công sức cho chị Phượng là giải quyết chưa triệt để yêu cầu của đương sự.

Cách xử lý của Tòa án nhân dân tối cao đã có điểm hợp lý khi xem xét đến công sức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự có đóng góp công sức vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế. Mặc dù chị Phượng không yêu cầu xem xét công sức đóng góp, tuy nhiên mục đích cuối cùng của chị vẫn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với di sản (đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế); do đó, chị Phượng mới không đồng ý việc chia thừa kế. Chính vì vậy, Tòa án cần linh hoạt trong việc xác định yêu cầu của đương sự, và phải xem xét công sức đóng góp của chị Phượng vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế cho dù không yêu cầu trực tiếp.

Tuy nhiên, một điểm mà án lệ 05/2016/AL còn bỏ ngỏ là cách thức xác định công sức đóng góp của đương sự trong những trường hợp này. Do đó, khi viện dẫn án lệ, cần phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể để xác định giá trị công sức của đương sự, tránh gây mâu thuẫn. 

5. Hoàn cảnh tương tự được áp dụng án lệ số 05/2016/AL:

Án lệ 05/2016/AL liên quan đến Tranh chấp di sản thừa kế có thể được viện dẫn để  đưa ra hướng giải quyết cho những trường hợp tranh chấp thừa kế và tố tụng dân sự tương tự. Cụ thể, nếu đương sự trong vụ tranh chấp di sản thừa kế:

  • Thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế;
  • Có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế;
  • Không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế); 
  • Không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế.

Trong những trường hợp này, nếu Tòa án quyết định chia thừa kế cho các đồng thừa kế thì phải xem xét công sức đóng góp của đương sự quản lý di sản, dù người này không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế) và không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ.

Trên đây là chia sẻ của Luật Tiền Phong về vấn đề áp dụng án lệ 05/2016/AL trong trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, hi vọng có ý nghĩa với các bạn. Nếu các bạn cần luật sư tư vấn, hỗ trợ, vui lòng kết nối đến tổng đài hotline 091 6162 618 hoặc email contact@luattienphong.vn để được hỗ trợ.