Luật Tiền Phong – Có rất nhiều hộ gia đình cùng sử dụng một ngõ đi chung. Và cũng có không ít trường đã xảy ra tranh chấp về vấn đề ngõ đi chung này. Pháp luật có quy định nào điều chỉnh về vấn đề này hay không?
KHÁCH HÀNG HỎI:
Tôi có một thửa đất diện tích 300m2. Giáp với đất của tôi có 2 hộ gia đình khác. Và họ đi nhờ trên đất của tôi. Vậy tôi có thể không cho họ đi được không, và nếu cho họ đi thì bao nhiêu đất là đúng pháp luật? Hai hộ đó giáp ranh đất tôi, tôi nhờ họ cắm ranh đất nhưng họ không chịu cắm ranh đất. Vậy tôi làm thế nào cho đúng pháp luật? Nếu như họ làm ruộng trước đó có đi một ống nước nhờ qua đất tôi để họ làm ruộng, vậy giờ tôi không cho họ đi nữa được không?
LUẬT TIỀN PHONG TRẢ LỜI:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến bộ phận tư vấn công ty Luật Tiền Phong. Về vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:
1. Quy định về quyền lối đi qua bất động sản liền kề
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 thì quyền cơ bản của người không phải chủ sở hữu đối với tài sản đó là quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề. Cụ thể:
Điều 275 BLDS 2005 quy định về quyền lối đi qua bất động sản liền kề như sau:
“1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù”.
Như vậy, nếu hai nhà hàng xóm với nhà bạn không có lối đi do vị trí địa lý của mảnh đất thì hai gia đình đó có quyền được yêu cầu gia đình nhà bạn dành ra một lối đi và gia đình bạn cũng có nghĩa vụ đáp ứng điều đó. Tuy nhiên, giữa ba gia đình có thể thỏa thuận với nhau rằng khi nhà bạn dành ra một lối đi cho nhà hàng xóm thì nhà hàng xóm sẽ trả nhà bạn một khoản đền bù hoặc không. Về việc đền bù này tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa ba nhà nhưng việc nhà bạn phải dành ra một khoảng làm lối đi chung cho hai nhà hàng xóm phía sau là điều bắt buộc. Vì thế nhà bạn không thể không cho họ đi qua được. Còn khoảng diện tích làm lối đi là bao nhiêu thì dựa vào sự thỏa thuận của các bên cũng như dựa trên nhu cầu thực tế tối thiểu phục vụ cho nhu cầu đi lại.
2. Quyền cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề
Tại Điều 277 quy định về quyền cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề:
Trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy. Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.
Như vậy, nếu gia đình hàng xóm không có đường nào khác để đặt ống cấp thoát nước thì về nguyên tắc, hai gia đình hàng xóm đó được quyền đặt ống dẫn nước đi qua đất nhà bạn trên cơ sở thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Gia đình bạn cũng không được gây khó dễ đối với vấn đề này.
Trên đây là phần tư vấn của Luật Tiền Phong về vấn đề bạn hỏi. Có bất kỳ thắc mắc gì cần được tư vấn hay gọi cho chúng tôi.
Luật Tiền Phong: 091 616 2618/ 0976 714 386
=============================
CÔNG TY LUẬT TNHH TIỀN PHONG
Hotline: 091 616 2618/ 0976 714 386
Hotmail: contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tòa nhà Bình Vượng, số 200 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội
Luật sư Khúc Thị Quyên là Luật sư cao cấp của LTP, có điểm thi kết quả tập sự nghề Luật sư đứng thứ 2 toàn quốc. LS Quyên được đánh giá cao ở sự thông minh, nhiệt tình và trách nhiệm.