(Luật Tiền Phong) – hòa giải là một hoạt động được coi là có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết tranh chấp nói chung và tranh chấp đất đai nói riêng, có thể được thực hiện giai đoạn tiền tố tụng hoặc thực hiện trong các giai đoạn tố tụng. Với kinh nghiệm của tập thể luật sư tham gia tố tụng nhiều vụ án về đất đai được tổng hợp lại thành bài viết dưới đây, Luật Tiền Phong xin giới thiệu đến các bạn.
1. Hòa giải là gì?
Theo wikipedia: Hòa giải là hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa. Hòa giải cũng là giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa hai hay nhiều bên tranh chấp bằng việc các bên dàn xếp, thương lượng với nhau có sự tham gia của bên thứ ba (không phải là bên tranh chấp). Hòa giải còn được hiểu ở góc độ rộng hơn là một quá trình, trong đó bên thứ ba giúp hai bên tranh chấp ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề của họ. Hòa giải cũng được coi là sự tiếp nối của quá trình thương lượng, trong đó các bên cố gắng làm điều hoà những ý kiến bất đồng.
Hòa giải trong quá trình tòa án giải quyết các vụ án dân sự: Nói chung, các vụ án dân sự (tranh chấp đất đai, tranh chấp hợp đồng thương mại; tranh chấp hôn nhân gia đình…) tòa án đếu thực hiện thủ tục hòa giải nhằm tìm tiếng nói chung giữa các bên để giải quyết tranh chấp. Đây là thủ tục bắt buộc và chỉ không áp dụng với các trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại với nhà nước hoặc các giao dịch trái pháp luật, trái đạo đức (tránh trường hợp hòa giải để tiếp tục thực hiện các giao dịch đó).
2. Hòa giải tại xã/phường giải quyết tranh chấp đất đai là thủ tục bắt buộc
Tranh chấp đất đai muốn được giải quyết tại tòa án thì các bên phải tiến hành bước hòa giải tại UBND cấp xã, nội dung này được quy định tại điều 202, 203 Luật Đất đai, theo đó:
– Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
– Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.
Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
– Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
– Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì các bên có thể chuyển đến tòa án nhân dân giải quyết.
Như vậy, muốn khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai, các bên bắt buộc phải qua khâu hòa giải tại UBND cấp xã.
3. Hòa giải tại tòa án
Vụ kiện đất đai được giải quyết tại tòa án dân sự cấp huyện nơi có đất, trường hợp một trong các bên có yếu tố nước ngoài (đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài) thì do tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định.
Nguyên tắc hòa giải:
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc các vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Việc hòa giải dựa trên sự tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình; Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Thành phần hòa giải tại tòa án gồm:
a) Thẩm phán;
b) Thư ký Tòa án ghi biên bản;
c) Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự;
d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có);
e) Người phiên dịch (nếu có).
Trường hợp có một bên đương sự vắng mặt mà các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên họp và việc mở lại phiên họp cho đương sự.
Nội dung hòa giải:
– Thẩm phán phổ biến cho các đương sự về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các đương sự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
– Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày nội dung tranh chấp, bổ sung yêu cầu khởi kiện; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có).
– Bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố (nếu có); những căn cứ để phản đối yêu cầu của nguyên đơn; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu phản tố của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có);
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn; trình bày yêu cầu độc lập của mình (nếu có); những căn cứ để phản đối yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu độc lập của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có);
– Người khác tham gia phiên họp hòa giải (nếu có) phát biểu ý kiến;
– Sau khi các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất và yêu cầu các đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;
– Thẩm phán kết luận về những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất.
– Thư ký Tòa án phải lập biên bản về việc hòa giải.
– Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.
4. Luật Tiền Phong hỗ trợ giải quyết vụ án đất đai
Khi giải quyết một vụ án tranh chấp đất đai, Luật Tiền Phong luôn tìm kiếm cơ hội hòa giải, đảm bảo giải quyết vụ án một cách nhanh nhất với phương thức ít hao tổn nhất về chi phí và thời gian, đặc biệt, khi hòa giải được, các bên sẽ thực hiện cam kết tốt hơn các vụ án tòa án xét xử.
Mọi tranh chấp đất đai của Quý khách sẽ được Luật Tiền Phong hỗ trợ giải quyết, chúng tôi sẽ thu thập tài liệu, chứng cứ; đại diện làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tham gia hòa giải, định hướng hòa giải.. để vụ án được giải quyết đúng luậ và khách quan, nhanh chóng; các bạn có thể điện thoại cho chúng tôi qua tổng đài 1900 6289.
==========================
Công ty Luật TNHH Tiền Phong
Điện thoại tư vấn: 091.6162.618 và 097.8972.587
Email: Contact@luattienphong.vn
Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà Bình Vượng, số 200, đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.